Chùa Thanh Mai được khởi dựng từ thế kỷ 13, tọa lạc trên sườn non Phật Tích hay còn gọi là Núi Tam Ban (ba cấp núi nối liền của Hải Dương, Bắc giang và Quảng Ninh). Chùa Thanh Mai là một đại danh lam, một trung tâm phật giáo thời Trần, cùng với hệ thống các chùa thuộc cánh cung Đông Bắc như: Yên Tử - Quỳnh Lâm - Côn Sơn - Báo Ân và Vĩnh Nghiêm. Nơi đây là các trung tâm tôn giáo lớn mà thiền phái Trúc Lâm truyền bá đạo phật.
Chùa chính có kiến trúc chữ “Đinh” gồm: 7 gian Tiền Đường, 3 gian Tam Bảo. Hệ thống bài trí tượng phật ở đây cũng tương đồng với các ngôi chùa khác, nhưng chủ yếu là tượng mới có niên đại của giai đoạn trùng tu hiện nay, các pho tượng trên tòa Tam Bảo đều được tạc rất có hồn với chất liệu bằng gỗ mít. Phía sau là công trình nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm và Viên Thông Bảo Tháp nơi chứa xá lị của thiền sư Pháp Loa sau khi ngài viên tịch. Trải qua gần 7 thế kỷ tồn tại, các kiến trúc của ngôi chùa bị thiên nhiên tàn phá, các di vật cổ vật hầu như bị hư hại và mất gần hết, hiện còn bảo tồn được một số tấm bia thời Trần và Lê. Trong 7 văn bia thì Thanh Mai Viên thông Tháp bi là tấm bia quý giá nhất, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362) và đã được Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 22/12/2016.
Hàng năm cứ vào ngày giỗ của Pháp Loa cũng chính là ngày hội truyền thống nơi đây. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, với sự tham gia đông đảo của Giáo hội Phật giáo cũng như các quý tín đồ, phật tử gần xa. Đến với Thanh Mai không chỉ là tìm về chốn Phật mà còn tìm về với cây cỏ thiên nhiên.