Đình Đầu: thuộc xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là nơi lưu giữ nhiều dấn ấn cách mạng của quân và dân tỉnh Hải Dương. Đình Đầu là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân thôn Đầu, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Công trình xây dựng vào thời hậu Lê để thờ Phật Minh công chúa thời Trần. Đến năm Khải Định 2 (năm 1917), ngôi đình được tôn tạo lại với quy mô lớn. Kiến trúc ngôi đình được tạo theo hinh chữ Đinh bao gồm phần tiền tế có 5 gian và hậu cung có 3 gian. Các mảng chạm khắc đều mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn.
Đình Đầu có hệ thống bẩy mái dài, vươn ra phía hiên với các chạm trổ tinh xảo như trúc hóa rồng, cá chép hóa rồng, hoa cúc, và hoa mai. Các con rường chồng ghép thành bốn bức cốn chạm khắc 8 cảnh tứ linh và tứ quý đầy cách điệu.
Ngôi đình còn là trung tâm của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào cách mạng kháng chiến tại xã Hợp Tiến. Vào tháng 8.1940, chi bộ Tạ Xá tổ chức hội nghị tại đây với sự tham dự của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hoan. Hội nghị đã quyết định thành lập Đội tự vệ chiến đấu Tạ Xá với hơn 40 đồng chí với mục tiêu bảo vệ cơ quan Đảng – đây chính là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương.
Trong giai đoạn 1941 - 1942, trước sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai, cơ sở Tạ Xá vẫn được duy trì. Khu vực gầm sàn đình trở thành nơi cất giữ vũ khí của Liên tỉnh B để chuẩn bị cho cuộc cách mạng lâu dài.
Đến ngày 22.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đội tự vệ chiến đấu Tạ Xá cùng đông đảo quần chúng cách mạng đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân đình, tuyên bố giải tán chính quyền thực dân phong kiến tại Tạ Xá và thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời, lấy Đình Đầu làm trụ sở của chính quyền cách mạng. Hiện, đình Đầu có một nhà truyền thống cách mạng là nơi lưu giữ tư liệu lịch sử về những năm kháng chiến của quân dân xã Hợp Tiến.
Ngày 21.1.1992, đình Đầu được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 97 xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Hằng năm, cứ đến ngày 12.2 Âm lịch, nhân dân thôn Đầu cũng như người dân trong xã Hợp Tiến lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống tại Đình Đầu, thu hút được khá đông du khách thập phương về lễ bái, chiêm ngưỡng.
Nhà Bia nơi thành lập Tỉnh ủy - Phù ủy Nam Sách: Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Phủ ủy Nam Sách - Tiền thân của Đảng bộ huyện Nam Sách, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, các cán bộ, lãnh đạo sẽ đến dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, các bậc tiền bối cách mạng, anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh vẻ vang của Đảng và dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trước đây, do đòi hỏi của phong trào cách mạng trong tỉnh, yêu cầu phải có sự lãnh đạo thống nhất, ngày 10.6.1940 tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến) đã diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Liên tỉnh B đã chỉ định Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn và Nguyễn Tấn Phúc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan được chỉ định làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh là tất yếu khách quan, là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Hải Dương. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Hải Dương thắng lợi, đưa Hải Dương là 1 trong 4 tỉnh lỵ giành chính quyền thắng lợi đầu tiên trong cả nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, quân và dân Hải Dương tiếp tục nêu cao tinh thần đấu tranh kiên cường, lập lên nhiều chiến công hiển hách. Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ khi được tái lập đến nay tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, đó là sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh trên bước đường xây dựng tỉnh Hải Dương theo hướng công nghiệp, hiện đại.