Giữa lòng TP Hải Dương sôi động, đông đúc, cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài (phường Phạm Ngũ Lão) vẫn giữ nét trầm mặc, uy nghi.
Theo ngọc phả cổ lục do Hàn Lâm viện đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn đời Hồng Đức triều Lê (1572) thì đình Bảo Sài được xây dựng để thờ thành hoàng làng Trương Mỹ, vị danh tướng thời Hai Bà Trưng. Ông sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Bảo Sài thuộc Bình Lao trang khi xưa. Cha của Trương Mỹ là Trương Nghiệp, mẹ là Đào Thị Vĩ quê ở Ái Châu. Vợ chồng Trương Nghiệp là người đức độ, làm nghề thuốc, trị bệnh cứu người. Từ miền Ái Châu, cả hai đã tìm đến Bình Lao trang để làm ăn, sinh sống. Tại đây, họ sinh được người con trai đặt tên là Trương Mỹ. Mỹ Công lớn lên trí tuệ tinh anh, học đâu nhớ đấy. Đến năm 18 tuổi thì văn chương thấu suốt, võ nghệ tinh thông, ham đọc sách, thích bắn cung.
Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau công nguyên, Trương Mỹ đã tập hợp bạn bè, dân binh, trai tráng trong Bình Lao trang và các vùng lân cận giết trâu, mổ bò làm lễ khao quân rồi tiến thẳng đến Hát Môn Giang ra mắt Trưng Vương. Vương thấy Mỹ Công tướng mạo đường hoàng, oai phong lẫm liệt lấy làm mừng và bảo: “Trời đã vì hoàng gia ta sinh bậc hiền tài để giúp nước”. Trưng Vương phong Trương Mỹ làm Đô Thống Nguyên Soái Đại tướng quân, sau đó chia binh làm 2 đạo tiến đánh quân Hán. Đại tướng quân Trương Mỹ chỉ huy binh thủy, lập đồn trại tại Bạch Đằng Giang. Khi Tô Định đại bại, Trưng Vương thu hồi 65 thành trì, phong Trương Mỹ làm Đông Giang Thống soái Đại tướng quân. Trương Mỹ lạy tạ nhưng xin về quê an hưởng thái bình. Khi ông mất, người dân Bình Lao làm biểu dâng vua. Trưng Vương vô cùng thương tiếc, truyền dân làng dựng ngôi miếu thờ ngay ở trang cư, xuân thu nhị kỳ cúng tế và phong “Thượng đẳng phúc thần” để muôn đời hưởng lộc cùng đất nước.
Ngôi miếu thờ đại vương Trương Mỹ được dựng trên nền nhà cũ, kiến trúc kiểu chữ đinh hướng ra hồ nước. Đến năm 1961, miếu vẫn còn, sau mới bị phá, đồ tế tự chuyển vào trong đình. Các triều đại đều có sắc phong, hiện đình còn giữ được 10 đạo sắc phong, sớm nhất là sắc phong thời vua Lê Cảnh Hưng. Đình Bảo Sài được xây dựng khi nào đến nay vẫn chưa xác định, chỉ biết rằng ngôi đình được người dân địa phương trùng tu, phục dựng nhiều lần. Đình còn tấm bia trùng tu ghi niên đại Cảnh Hưng thứ 6 (1745), cột đình ghi niên đại trùng tu thời vua Duy Tân triều Nguyễn (1912), phần móng hậu cung vẫn còn một số hàng gạch được nhận định có cách đây 500 năm. Đình quay hướng đông nam, kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian, 2 chái. Hậu cung đình cấu tạo đơn giản theo kiểu bào trơn đóng bén. Chính giữa cung là nhang án lớn thờ bài vị đại vương Trương Mỹ, trên có chiếc mũ và đôi hia tượng trưng cho anh linh vị võ tướng.
Sau đình là đền, chùa Bảo Sài. Cách sắp xếp này có từ thời Lê Trung hưng theo kiểu tiền Thần, hậu Phật. Đền Bảo Sài còn có tên là Thanh Hư Động thờ Tiên Dung công chúa, con gái Vua Hùng thứ 18. Theo truyền thuyết, Tiên Dung công chúa du ngoạn trên sông đã gặp và sau đó kết duyên cùng chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Hiện quanh khu vực đền có khoảng 400 hộ dân thuộc dòng họ Chử. Kiến trúc đền chữ đinh, các vì kèo được làm theo kiểu con chồng đấu sen. Các bức cốn, con chồng, đầu bẩy cũng được chạm khắc hoa văn. Gian giữa tòa tiền tế treo bức cửa võng sơn son thếp vàng, chạm các tích mai điểu với đường nét tinh tế. Chính giữa gian hậu cung đặt ban thờ sơn son thếp vàng. Phía trên đặt 2 cỗ ngai, 1 ngai thờ tượng Tiên Dung công chúa. Tượng ở tư thế ngồi, vẻ mặt đôn hậu thể hiện nội tâm trong sáng.
Cạnh đền là chùa Bảo Sài. Qua kiểu dáng và các họa tiết hoa văn kiến trúc có thể nhận định chùa được làm vào thời Nguyễn. Các vì kèo cũng được làm theo kiểu con chồng đấu sen. Đầu bẩy chạm hình rồng cách điệu. Tại phần tiếp giáp giữa tiền đường và hậu cung treo bức cửa võng kép. Phần trên chạm hình hổ phù, xung quanh chạm tứ linh.
Cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, phần lớn hiện vật trong cụm di tích bị thất lạc, hạng mục, công trình xuống cấp. Khi xã hội phát triển, nhà dân xung quanh xây cao dần thì khu vực đình, đền, chùa Bảo Sài thành nơi đọng nước. Do đó, từ năm 1992-2013, Ban Quản lý di tích đã vận động nhân dân công đức, đóng góp để trùng tu nhiều hạng mục như thay cột đình, sửa cổng, cải tạo mái… Năm 2003 xây thêm giếng, miếu thờ mẹ của đại vương Trương Mỹ. Hiện đình được tôn cao thêm 30 cm, chùa và đền tôn cao 70 cm tạo sự tôn nghiêm, bề thế cho cụm di tích, đáp ứng nhu cầu văn hóa, sinh hoạt tâm linh của người dân và du khách. Đình, đền Bảo Sài cũng đang được tu sửa với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng.
Để tướng nhớ công ơn đại vương Trương Mỹ, hằng năm vào ngày 10.2 âm lịch, người dân lại mở hội với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian được gìn giữ duy trì. Ông Nguyễn Huy Dân, Phó Trưởng Ban Quản lý cụm di tích cho biết đình, đền, chùa Bảo Sài không chỉ gắn với đời sống tâm linh mà còn thể hiện tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc được người dân địa phương. Vì thế dù nhịp sống hiện đại có nhiều thay đổi thì nhân dân vẫn thành tâm, kính cẩn và giữ gìn những di tích mang ý nghĩa văn hoá, tâm linh và niềm tự tôn dân tộc sâu sắc.