Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập thì ở các làng quê người dân luôn chú trọng gìn giữ nét đẹp văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, tôn tạo các di tích đình chùa.
Gắn kết đời sống tinh thần
Cụm di tích lịch sử văn hóa và tâm linh đền Long Động, Nhà tưởng niệm nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi, điện Sùng Đức và lăng Quan Trạng đã trở thành điểm đến của nhiều người khi ghé thăm xã Nam Tân. Đây cũng là 1 trong 10 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ở huyện Nam Sách. Trong đó điện Sùng Đức được Mạc Đăng Dung xây dựng thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ngay trên nền nhà cũ của ông nhưng bị tàn phá vào cuối thế kỷ XVI. Theo đề nghị của chính quyền địa phương và nguyện vọng của con cháu họ Mạc, cuối năm 2022, điện Sùng Đức được phục dựng trên khuôn viên rộng hơn 6.000 m2 với tổng kinh phí 40 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Anh Mạc Công Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc tỉnh Hải Dương cũng là người con xã Nam Tân cho biết: “Dù là nơi thờ tự của các danh nhân họ Mạc nhưng đây cũng là địa chỉ tâm linh của địa phương. Việc phục dựng điện thờ đúng theo phong cách kiến trúc thời nhà Mạc từ mái ngói, hình tượng rồng, nghê… đến các đồ thờ cúng. Hiện nay, điện không chỉ là nơi tụ họp của con em họ Mạc trên toàn quốc mà còn là nơi lưu giữ, gắn kết giá trị tinh thần của người dân địa phương”.
Cũng như quần thể di tích đền Long Động, đình-đền Lạc Dục là nơi thờ tự linh thiêng của người dân xã Hưng Đạo và nhân dân huyện Tứ Kỳ. Đình Lạc Dục được xây dựng từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn, là nơi thờ 4 vị thành hoàng làng. Đền Lạc Dục (đền Dọc) được xây dựng vào thời hậu Lê, là nơi thờ Thánh mẫu Vũ Thị Đức - người có công nuôi 2 con là Hắc Long Quân và Bạch Long Quân phù vua Lê đánh thắng giặc Minh xâm lược ở thế kỷ thứ XV. Trải qua nhiều giai đoạn, cùng với sự hỗ trợ của các cấp và đóng góp của con em quê hương, cuối năm 2021, đền Lạc Dục hoàn thành việc trùng tu xây dựng với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Mới đây, di tích đình-đền Lạc Dục ở xã Hưng Đạo đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch đầu tiên của huyện Tứ Kỳ. Vào mỗi dịp lễ hội, nhiều tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian được tái hiện giúp con cháu nhớ về cội nguồn.
Không chỉ xa xưa, mà cho đến nay đình chùa vẫn là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian... và là nơi gắn kết cộng đồng làng xã. Do vậy, việc tu bổ các di tích đình chùa nhiều năm qua luôn được các cấp, ngành quan tâm, nhân dân tích cực hưởng ứng. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính riêng từ năm 2017 - 2022 đã có 208 lượt di tích trong tỉnh được tu bổ, tôn tạo ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó có 86 lượt di tích được tu bổ hoàn toàn bằng vốn xã hội hóa với hơn 283 tỷ đồng. Các di tích đều giữ lại tối đa yếu tố gốc của di tích, khôi phục những yếu tố đã bị mai một, bảo tồn kiểu dáng kiến trúc truyền thống làm cho di tích bền vững về kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của thời gian và khí hậu nhưng vẫn giữ được hồn cốt của di tích.
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Huyện Tứ Kỳ xác định di tích đình - đền Lạc Dục là một trong những nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh và làng nghề được đầu tư phát triển. Hiện nay, di tích thường xuyên tiếp đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Bà Trương Thị Toan, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tứ Kỳ cho biết, địa phương có hơn 300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 5 di tích đã được xếp hạng quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử văn hóa đều được thiết kế kiểu chữ đinh, một số làm theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ công... vừa mang nét chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa có những nét riêng của từng thời kỳ lịch sử. Các di tích không chỉ phong phú về số lượng mà còn chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc vô cùng quý giá. “Với các nét văn hóa đa dạng và phù hợp với xu hướng, chắc chắn các địa điểm văn hóa, tâm linh sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách khi đến Tứ Kỳ”, bà Toan nói.
Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn hiện nay, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống vật chất thì các yếu tố văn hóa, tâm linh ngày càng được chú trọng. Đặc biệt là việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Nhiều địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch kết nối các điểm tham quan di tích đình chùa với các điểm đến khác trong tỉnh và huyện để hình thành các tour du lịch hấp dẫn. Điều này mở ra cơ hội tiêu thụ thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của địa phương. Người dân cũng có thể làm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Đây cũng là cơ hội việc làm để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.