Đình Nhân Lý (thị trấn Nam Sách) có lối kiến trúc được xếp vào loại điển hình của thế kỷ XVII còn đến ngày nay. Đình Nhân Lý thờ Thành hoàng Lý Tuấn Lương, có công phù Lý Nam Đế, đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Đình Nhân Lý là một ngôi đình lớn và điêu khắc của đình vào loại điển hình của đất nước ở thế kỷ XVII còn đến ngày nay.
Đình hướng tây, ở phía bắc thôn Nhân Lý, cách đường 17 khoảng 200m về phía đông, kiến trúc kiệu tiền nhất hậu đinh (theo chữ Hán), nhưng phần mái của hậu cung đảo lại, tạo hình chữ công trên phần mái. Hai giải vũ ở phía trước nối liền với tường bao và cột đồng trụ tạo nên một khuôn viên rộng lớn. Từ đường cái vào đình qua một cầu đá 3 nhịp, xung quanh đình có nhiều cây cổ thụ. Năm 1957, hai giải vũ và tiền tế bị giải hạ, cầu đá bị dỡ bỏ. Hiện nay chỉ còn đại bái, hậu cung và hai cây bàng lớn ở phía sau.
Đình nguyên thuỷ, hậu cung và gian trái còn có sàn nay chỉ còn phần sàn ở hậu cung. Toà đại bái có ba gian cửa, hai gian bên đóng ngỡng chồng, trên có chấn song, lá dong trên kẻ và bẩy dày, chạm rồng và hoa lá, tạo cảm quan như bẩy, kẻ kép khá vững chắc. Ba mặt tường xây bằng gạch bát gỗ lớn (4cm x 25cm x 40cm), cửa so hậu cung đặt cao gần sát tầu, chèn gạch men xanh, trổ lỗ. Toàn bộ kết cấu của đình bằng gỗ lim, lợp ngói mũi kiệu vỏ sò. Trước đây, các con giống được đắp bằng vôi, giấy, bản mật... Những phù điêu bằng đất nung, nay phần lớn đã thất lạc. Đao góc đắp rồng chầu phượng mớm. Nội thất còn bảo lưu được nhiều đồ tế tự có giá trị.
Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1980.