Đình Trịnh Xuyên thuộc làng Trịnh Xuyên, xã Nghĩa An (Ninh Giang) thờThành hoàng Vũ Đức Phong có công chống giặc Chiêm Thành dưới triều Trầnvà đã hy sinh tại chiến trường.
Đình Trịnh Xuyên thờ Đạo quang cư sĩ Vũ Đức Phong, nguyên gốc làng Mộ Trạch, nay thuộc xã Tân Hồng (Bình Giang), người có công chống giặc Chiêm Thành dưới triều Trầnvà đã hy sinh tại chiến trường.
Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, kiểu tiền nhất, hậu công, quy mô khá đồ sộ. Riêng diện tích sử dụng là 580,25 m2, bao gồm các hạng mục là đại bái, trung từ, hậu cung, nhà chờ và 2 dãy giải vũ.
Toà đại bái được xây dựng thông thoáng, không có tường bao xung quanh, dài 13m, rộng 8,5m. Trên toàn bộ bờ mái, bờ nóc được tạo dáng hình hoa chanh. Các đao, guột được tạo dáng hình đầu rồng mềm mại.
Trung từ gồm 3 gian được kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Trên các vì, bẩy đều chạm hình trạng, phượng, hoa lá cách điệu. Tiếp theo đại bái là đình trung. Toà này có chiều dài 20m, rộng 11m, gồm 5 gian. Cũng như đại bái, ở toà trung từ tất cả bờ nóc và bờ mái đều được đắp hình hoa chanh. Các đao mái được tạo dáng hình đầu rồng. Các vì ở đây cũng được làm theo kiểu con chồng. Hai vì giữa được chạm khắc kỹ hơn, 4 đầu dư ở hai vì này được làm vào thời Nguyễn. Hai vì ngoài lạm khắc ít hơn, căn cứ vào các đầu dư và nghệ thuật chạm khắc thì 2 vì này được làm tử thế kỷ XVII-XVIII .Trên xà ngang gian trung tâm treo một bức chạm "Lưỡng long chầu nguyệt", phía dưới là bức cửa võng được tạo kiệu chữ "triện".
Tiếp nối với phần trung từ là 3 gian ống muống, kỹ thuật kiến trúc đơn giản hơn. Phía dưới được bài trí ban thờ và hai cỗ kiệu long đình và bát cống.
Tiếp 3 gian ống muống là một gian hậu cung. Về kiến trúc, phần trung tâm đặt một bệ thờ cao. Trên để một cỗ khám cao 1,8 m, được sơn son thếp vàng rực rỡ. Trong khám là tượng Thành hoàng cao 0,9 m, thân hình cân đối, hài hoà. Ngay phía trước khám là tượng hai lính hầu bằng gỗ cao 1,4 m, tay cầm binh khí.
Ngoài các hạng mục trên, còn có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 3 gian, tạo thành một công trình kép kín và đồng bộ. Đình còn tượng cổ Vũ Đức Phong và nhiều đồ thờ.
Lễ hội đình hàng năm được tổ chức từ ngày 9 đến 12 -2 âm lịch với nhiều trò chơi dân gian như thi pháo đất, múa rối.
Đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1992.