Hệ thống hang động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít ở phường Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương) không chỉ là kiệt tác của thiên nhiên mà còn là nơi chứa đựng những giá trị lịch sử.
Động Hàm Long được tôn tạo thành chùa Hàm Long từ thời nhà Trần. Đây từng là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông do Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Động Hàm Long thờ Phật và danh tướng Yết Kiêu thời Trần. Cửa động cao hơn 3m, rộng 10m, chiều dài động 80 m, chỗ rộng nhất 20m, cao 20m. Trên vách động bên phải ở độ cao khoảng 5m có hình một con cá chép, đầu quay ra phía cửa hang. Đứng ở lòng động nhìn lên thấy động giống hình chóp nón, các nhũ đá rủ xuống có chỗ tay người với được. Càng đi vào trong động càng có nhiều ngóc ngách, nhiều nhũ thạch treo với những hình thù khác nhau.
Ở cửa hang động có 6 tấm bia khắc vào vách đá từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, trong đó có 1 tấm bia khắc vào năm Hồng Đức thứ 27 (năm 1496) có giá trị cao về lịch sử. Còn 5 tấm bia niên đại: Hoàng Định thập tam niên (năm 1613), Hoàng Định thập lục niên (năm 1616), Thịnh Đức nguyên niên (năm 1653), Thịnh Đức lục niên (năm 1658) và Chính Hòa thất niên (năm 1686). Ở phía trước động thuộc khu tiền đường cũ chùa Hàm Long còn có một tấm bia dựng vào năm 1718, ghi tên những người công đức chùa.
Từ động Hàm Long rẽ trái đi theo triền núi lên cao là động Tâm Long. Động này được nhân dân địa phương phát hiện vào năm 1992. Khi mới phát hiện, cửa động chỉ là một lỗ nhỏ trên sườn núi, cách mặt đất khoảng 5m, phải từng người lách khéo qua mới chui lọt. Hiện nay, cửa động đã được mở rộng và xây bậc lên xuống. Đứng trước cửa động nhìn vào, thoạt đầu có cảm nhận chỉ là một hang nhỏ nhưng càng vào sâu mới thực sự ngỡ ngàng trước sự kỳ vĩ, lộng lẫy của thiên nhiên. Động rộng khoảng 200m2, một loạt các cột nhũ mọc từ đỉnh động xuống mặt đất, có cột khi soi đèn lại gần tạo nên ánh sáng như dát vàng bạc. Có nhũ tạo dáng như một người đứng canh, có nhũ do nước chảy tạo thành khe rãnh kiểu rễ si. Có nhóm nhũ như một gia đình đứng bên nhau gồm 3 thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái. Dưới con mắt tưởng tượng của con người, thạch nhũ như những bức chạm nổi hiện lên những hình thù vừa quen thuộc vừa xa lạ, vừa thật, vừa ảo.
Ra khỏi động Tâm Long, men theo con đường khoảng 100m là đến hang động Đốc Tít. Hang động này còn có tên là hang Dơi, kể từ khi Đốc Tít sử dụng hang này làm căn cứ chống Pháp thì hang có tên là Đốc Tít. Đốc Tít tên thật là Nguyễn Ngọc Tít. Ông xây dựng căn cứ ở vùng Hai Sông-Kinh Môn, trở thành một lực lượng mạnh của nghĩa quân Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Lực lượng của Đốc Tít có hàng trăm tay súng, địa bàn hoạt động rộng khắp vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn) và Chí Linh, nhiều lần làm cho giặc Pháp hoảng vía, kinh hồn. Sau này, khi Pháp đem quân đánh cù lao Hai Sông, nghĩa quân mới phải rút đi. Ngày 12.8.1889, Đốc Tít bị bắt và đày sang An-giê-ri.
Động Đốc Tít có hai cửa ở phía đông và phía tây, ngoài cửa động có một dòng suối nhỏ nước chảy quanh năm, suốt tháng. Động rộng khoảng 1.800m2, cao chừng 40m, ước chừng sức chứa hơn 1.000 người. Chóp cao nhất của động là chỗ ở cũ của Đốc Tít, ông lên bằng cách nối những cây tre với nhau. Từ khi ông bị bắt đi đày ở An-giê-ri, không ai dám trèo lên đó. Mãi sau này có người trèo lên và còn lấy được tẩu thuốc của ông để lại.
Hệ thống hang động Hàm Long - Tâm Long - Đốc Tít không chỉ là công trình thiên nhiên tuyệt tác mà chứa đựng những giá trị lịch sử. Hệ thống hang động đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1993. Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 15 đến 17 tháng giêng.
Theo ông Nguyễn Trọng Úy, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Tân, thời gian tới, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, đường sá để tạo nên cảnh quan, đồng thời nối liền di tích với di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương trên địa bàn thị xã.