Đền đình Sượt - Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia (TP. Hải Dương) không chỉ thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm đến cho nhiều du khách.
Đền Sượt còn có tên tự là “Quang Liệt miếu” hay “Thanh Cương linh từ”, là di tích lịch sử văn hóa tọa lạc tại thôn Quang Liệt, xã Thanh Cương xưa (nay thuộc phường Thanh Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Thanh Cương có tên nôm là làng Sượt nên đền được nhân dân gọi là đền Sượt.
Đền thờ Đại vương Vũ Hựu (1472 - 1520), một danh tướng thời Lê. Đền Sượt xây dựng ngay tại nơi Đại vương ra đời. Khi vinh quy về làng, ông cho sửa lại thành nhà quan cư để mỗi khi đi về có chỗ nghỉ ngơi. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ. Được trùng tu tôn tạo nhiều lần, ngôi đền hiện nay là kết quả của đợt trùng tu thời Nguyễn năm Tự Đức thứ 34 (1881) và năm Khải Định thứ 9 (1924).
Ông Hoàng Văn Tứ - Ủy viên Thường trực Ban Quản lý Di tích Đền Đình Sượt, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: “Cũng chính do lần trùng tu tổng thể vào triều đại nhà Nguyễn nên đền Sượt hiện có dáng kiến trúc ngoại và nội thất mang đậm bản sắc văn hóa thời Nguyễn”.
Kiến trúc tòa cổ các theo kiểu chồng diêm hai tầng, lợp ngói mũi là nét đặc sắc kiến trúc của ngôi đền. Tòa bái đường dài 14,6 m, rộng 8 m, hai đầu hồi xây bịt kín, đôi kìm ngậm giữ chắc bờ mái. Từ hệ thống cổng tam quan đến cách trang trí trên mái đền như các đao con nghê hay hình tượng rồng uốn mình chầu vào tòa cổ các lộng lẫy, uy nghi với 4 chữ lớn: “Dực Bảo Trung Hưng”. Đây chính là những nét đặc sắc văn hóa thời Nguyễn.
Bên cạnh những hạng mục công trình kiến trúc cổ, hiện ở đền còn lưu giữ được 1 số di vật cổ như ngai thờ và bài vị, đôi câu đối khảm trai, đôi câu đối chữ triện, bộ đòn bát cống cùng bộ bát biểu, thanh đao, cuốn ngọc phả...
Đặc biệt, trên bậc tam cấp, hai đầu hồi hiện có đôi nghê đá túc trực, canh giữ cho ngôi đền. Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá được cung tiến vào ngày 1-5 niên hiệu Bảo Thái năm thứ hai (1721) đời vua Lê Dụ Tông, 200 năm sau ngày Đại vương Vũ Hựu mất.
Không gian kiến trúc nội thất đền Sượt cũng là những nét kiến trúc tiêu biểu của văn hóa thời Nguyễn.
“Cửa đền có cấu trúc thượng song hạ bản, chạm khắc tinh tế. 5 gian bái đường kiến trúc theo kiểu chồng rường đấu sen, thượng tam hạ tứ. Chính giữa bái đường bày một nhang án lớn nhiều đồ tế tự, trên treo bức đại tự: “Thượng đẳng phúc thần”. Hai gian bên đều có các đại tự, các hàng cột đều treo câu đối. Đôi hạc gỗ cao to chầu cửa cung thể hiện sự linh ứng, trường tồn”, ông Hoàng Văn Tứ - Ủy viên Thường trực Ban Quản lý Di tích Đền Đình Sượt, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết thêm.
Từ đền Sượt, đi thêm khoảng 200m, du khách sẽ đến di tích đình Sượt. Đình được dựng từ thời Lê, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm đại bái 3 gian 2 dĩ và hậu cung 1 gian. Qua cổng tứ trụ bằng đá xanh là vào không gian di tích. Trước đình là giếng làng rộng gần 400m2. Với kiến trúc kiểu con chồng giá chiêng, đầu bẩy và các bộ vì chạm rồng mây, hoa lá, các bức cốn chạm tứ linh, tùng lộc khéo léo, tinh xảo.
Đình đã được trùng tu nhiều lần. Năm 2012, chính quyền và nhân dân nơi đây đã phục dựng lại đình trên nền cũ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân.
Cụm di tích đền đình Sượt không chỉ nổi tiếng về cảnh quan kiến trúc. Hàng năm, tại đây còn diễn ra các hoạt động lễ hội truyền thống hết sức độc đáo. Vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, khi đến tham quan, chiêm bái tại lễ hội đền đình Sượt, du khách thập phương sẽ được đắm mình vào cảnh sắc tâm linh, được tham gia nhiều trò chơi dân gian, hấp dẫn.
Với những giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền - Đình Sượt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh và công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2723/QĐ-BVHTTDL ngày 30/9/2020. Được UBND tỉnh công nhận là Điểm du lịch theo Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 18/01/2023. Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, tâm linh, đền đình Sượt kết nối với nhiều điểm văn hóa, tín ngưỡng, thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Hải Dương.