Di tích Miếu - Đình Cập Nhất thuộc xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương còn có các tên gọi khác là Miếu - Đình Gọp hay Đền Cập Nhất. Di tích Miếu - Đình Cập Nhất có tổng diện tích là 1.690m2, bao gồm các hạng mục công trình: Đình, miếu, hai giải vũ và ngôi mộ thờ Thành hoàng Nguyễn Công Hoằng.
Trước đây, làng Cập Nhất có một ngôi đình và 02 ngôi miếu, đình thờ thân phụ và thân mẫu của 02 vị thành hoàng, một ngôi miếu thờ đức đệ Nhất Nguyễn Công Hoằng và ngôi miếu kia thờ đức đệ Nhị Nguyễn Công Lại. Do thời gian và chiến tranh, miếu thờ đức đệ Nhị Nguyễn Công Lại và Đình bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại ngôi miếu thờ đức đệ Nhất Nguyễn Công Hoằng ở vị trí như hiện nay. Những năm gần đây, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ngày một cao và để tri ân, tưởng nhớ đến công lao, tài đức của các vị thành hoàng cùng thân phụ, thân mẫu có công sinh thành, dưỡng dục; nhân dân thôn Cập Nhất công đức xây dựng tòa nhà kiến trúc chữ đinh để phụng thờ đức đệ Nhị vào năm 1990 và đình thờ song thân (thời gian từ năm 2003-2011) hoàn thành, nằm trong khuôn viên đất của đức đệ Nhất xưa và nay.
Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 Miếu - Đình là nơi tổ chức phong trào quần chúng cách mạng họp bàn, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại làng Cập Nhất.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc "Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", dưới sự chỉ đạo của Ủy ban cách mạng kháng chiến lâm thời huyện, di tích được chọn là địa điểm tổ chức các lớp bình dân học vụ, đồng thời vận động các thầy giáo và những người đã qua tiểu học thời pháp trực tiếp giảng dạy.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, miếu thờ đức đệ Nhất là địa điểm đóng quân của lực lượng pháo cao xạ, tiểu đoàn Ra đa phát tín hiệu nhận biết máy bay địch ném bom, để chiến đấu bảo vệ cầu Phú Lương.
Di tích được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cấp Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 337/QĐ-UBND ngày 22/01/2019. bao gồm các hạng mục như: Đình, Miếu, hai dải vũ và ngôi mộ thờ Thành hoàng Nguyễn Công Hoằng và Nguyễn Công Lại có công giúp vua Lý đánh giặc Tống. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật và di vật có giá trị gồm 4 ngai và bài vị thờ Thành hoàng, 1 kiệu bát cống, 7 bia đá và 6 sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn.