1. Vị trí địa lý
Huyện Cẩm Giàng
nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hải Dương, phía bắc giáp huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh);
phía đông giáp huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương; phía nam giáp huyện Bình
Giang và huyện Gia Lộc; phía tây giáp huyện Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) và huyện Thuận
Thành (tỉnh Bắc Ninh) có diện tích tự nhiên 110,12 km2, dân số trung bình đến năm
2024 là 154.338 người. Vị trí địa lý, giao thông trong huyện thuận lợi cả về
đường bộ và đường sắt (quốc lộ 5A và đường sắt Hà Nội-Hải Phòng) để phát triển
kinh tế.
Hiện nay
huyện Cẩm Giàng gồm có 13 xã và 02 thị trấn, bao gồm thị trấn Cẩm Giang; Thị
trấn Lai Cách và các xã: Cẩm Hưng, Lương Điền, Ngọc Liên, Tân Trường, Phúc
Điền, Cẩm Hoàng, Cẩm Vũ, Định Sơn, Cao An, Cẩm Văn, Đức Chính, Cẩm Đoài, Cẩm
Đông; toàn huyện có 107 thôn, khu dân cư; trong đó có 04 khu dân cư và 103 thôn.
Từ những thành tựu và tiến bộ đạt được trong nhiệm kỳ
qua, với bản lĩnh chính trị vững vàng và truyền thống văn hiến, cách mạng của
huyện anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Giàng tăng cường đoàn kết, thống nhất,
phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vượt qua mọi khó khăn thử
thách, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, xây dựng huyện Cẩm Giàng ngày càng
giàu đẹp, văn minh; phấn đấu đến năm 2030 Cẩm Giàng là vùng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; đạt một số tiêu chí cơ bản đô
thị loại IV.
2. Kinh tế - Văn hóa – Xã hội
Không chỉ
giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, Cẩm Giàng còn là nơi hội đủ những điều
kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hai ngành nông nghiệp và công nghiệp: đất đai màu mỡ do phù sa sông Thái Bình bồi
đắp, hệ thống đường giao thông với 3 trục: quốc lộ 5A, đường sắt Hà Nội- Hải
Phòng, quốc lộ 38 nối đường 5A với đường 5B. Ngoài ra trên địa bàn huyện, đường
194 phân nhánh tạo nên những trục đường giao thông lớn, thuận lợi cho lưu thông
luân chuyển hàng hóa. Các con sông Thái Bình, Cửu An và Tràng Kỹ vừa là nguồn
cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân vừa tạo nên những tuyến đường
giao thông thủy thuận lợi. Vì vậy, bên
cạnh nghề chính là sản xuất nông nghiệp, từ xa xưa Cẩm Giàng đã hình thành các
làng nghề cổ truyền theo đặc trưng riêng của mỗi vùng quê, trong đó có những
thương hiệu nức tiếng như chạm khắc gỗ Đông Giao, rượu Phú Lộc, nón Mao Điền,
bột lọc Phú Dương. Trên địa bàn huyện hiện có 06 khu công nghiệp, trong đó có 03 khu công
nghiệp đã đi vào hoạt động; 04 cụm công nghiệp trong đó 02
cụm công nghiệp làng nghề.
Cẩm Giàng xưa là vùng đất cổ được hình thành sớm trong lịch sử làng xã
Việt Nam, thuộc trung tâm nền văn minh Châu thổ Sông Hồng; nơi đây có bề dày
văn hiến về khoa bảng, trong các cuộc thi qua các Triều đại phong kiến. Mảnh
đất này cũng là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu là cụm di tích quốc gia đặc biệt thờ Đại danh
y Thiền sư Tuệ Tĩnh Đền Xưa (Cẩm Vũ), Đền Bia (Cẩm Văn), Chùa Giám (Định Sơn),
gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và những điển tích về danh y Tuệ Tĩnh. Văn
Miếu Mao Điền (Cẩm Điền – nay là Phúc Điền) là một trong số ít Văn Miếu còn lại
tại Việt Nam (chỉ đứng sau Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội), hàng năm đón hơn 51
vạn khách du lịch (khoảng 60% là học sinh, sinh viên).
Bên cạnh các giá trị văn hóa vật thể, huyện Cẩm Giàng còn có nhiều giá
trị văn hóa phi vật thể, có tiềm năng du lịch lớn. Trên địa bàn huyện có 57 lễ
hội lớn nhỏ được tổ chức thường xuyên hàng năm vào đầu mùa xuân từ mồng 01
tháng 01 âm lịch đến mồng 01 tháng 4 âm lịch, hầu hết các lễ hội đều diễn ra ở
các di tích. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống,
giao lưu văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân.
Trong đó có một số lễ hội lớn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du
khách thập phương tham gia, tham quan chiêm bái như: Lễ hội Chùa Giám xã Định Sơn,
lễ hội Đền Bia, lễ hội Văn miếu Mao Điền…, và các lễ hội cúng đình, chùa tại
các xã, thị trấn theo đúng quy định và nghi lễ của Luật tín ngưỡng; đặc biệt
nơi đây còn có nghệ thuật trình diễn dân gian như hát ca trù, chèo, tuồng Thạch
Lỗi; các sản phẩm làng nghề truyền thống như: sản phẩm gỗ mỹ nghệ (làng nghề gỗ
mỹ nghệ Đồng Giao), rượu Phú Lộc, làng nghề gỗ Ngọc Quyết, Lê Xá.
0 bình luận