Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tiếp giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và thành phố cảng Hải Phòng. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1831), tỉnh Hải Dương chính thức được thành lập. 

1. Vị trí địa lý

Hải Dương là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, trải dài từ 20°43' đến 21°14' độ vĩ Bắc, 106°03' đến 106°38' độ kinh Đông.

Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 57km về phía tây, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 45km về phía đông, có vị trí địa lý: Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang; Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; Phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; Phía Nam giáp tỉnh Thái Bình.

2. Địa hình

Hải Dương có diện tích 1.668 km², là tỉnh có diện tích trung bình trong số các tỉnh thành ở Việt Nam, được chia làm 2 vùng: vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi nằm ở phía bắc của tỉnh thuộc thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn, chiếm khoảng 11% diện tích tự nhiên. Đây là vùng đồi núi thấp, phù hợp với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng đồng bằng còn lại chiếm 89% diện tích tự nhiên do phù sa sông Thái Bình bồi đắp, đất màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ trong năm.

3. Khí hậu

Tỉnh Hải Dương nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông). Vào giai đoạn từ tiết lập xuân đến tiết thanh minh (khoảng đầu tháng 2 - đầu tháng 4 dương lịch) có hiện tượng mưa phùn và nồm là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. 

Nhiệt độ trung bình là 23oC; độ ẩm trung bình hàng năm từ 78 đến 87%; lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500mm đến 1.700 mm. Theo số liệu thống kê, từ năm 1972 đến nay, Hải Dương không bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa và bão. Khí hậu thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm cây lương thực, thực phẩm và cây ăn quả, đặc biệt là sản xuất cây rau màu vụ đông.

4. Dân số 

Theo ước tính trung bình của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2022 dân số Hải Dương là 1.946.820 người, đứng thứ 8 cả nước. Đây cũng là tỉnh đông dân nhất Bắc Bộ (nếu không tính Hà Nội và Hải Phòng - 2 thành phố trực thuộc Trung ương). Cơ cấu dân số trẻ nên tỉnh có nguồn lao động dồi dào. Thành phần dân số: Nông thôn: 65,8%; Thành thị: 34,2%.

Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 6 tôn giáo khác nhau, đạt 62.274 người. Nhiều nhất là Công giáo có 52.812 người, tiếp theo là Phật giáo có 9.290 người, đạo Tin Lành có 163 người. Còn lại các tôn giáo khác như: Hồi giáo có bảy người, Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài mỗi tôn giáo chỉ có một người.

5. Đơn vị hành chính

Tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện với 207 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 46 phường, 10 thị trấn và 151 xã.

6. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng 

Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương rất thuận tiện bao gồm nhiều tuyến đường bộ (Quốc lộ 5A, 188, 18,...); đường sắt (tuyến Hà Nội - Hải Phòng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua 7 trạm trên dọc tuyến đường, tuyến đường này dự kiến sẽ sớm được nâng cấp hiện đại hơn) và đường thủy (tuyến đường thủy dài 400km rất thuận tiện cho việc vận chuyển của các loại tàu bè có trọng tải khoảng 500 tấn; Cảng Cống Câu có công suất khoảng 300.000 tấn/năm; Hệ thống cảng thuận tiên có thể đáp ứng được các nhu cầu về vận chuyển đường thủy).

Hải Dương gần 2 sân bay đó là: Sân bay quốc tế Nội Bài Hà Nội và Sân bay Cát Bi Hải Phòng, và có tuyến đường vận chuyển Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh chạy qua.

Hệ thống giao thông như vậy rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành khác trong và ngoài nước. 

7. Kinh tế - Chính trị - Văn hóa 

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi, còn không ít những khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh như chiến tranh giữa Nga và Ukraina, những bất ổn về điều kiện thiên, đặc biệt là phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 03 (siêu bão Yagi), để lại nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND và UBND, đặc biệt việc tập trung tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nên tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đạt được kết quả khá dự kiến có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Quy mô kinh tế của Tỉnh ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người (tương ứng 4.456 USD/người); đứng thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông HồngTăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương năm 2024 ước đạt 10,2%; cao thứ 6/63 cả nước và thứ 3/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng 11,01%; Hà Nam 10,93%).

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và an sinh xã hội được đặc biệt được quan tâm; ban hành nhiều chính sách về anh sinh xã hội; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Hải Dương là một trong những khu vực văn hóa tâm linh của cả nước khi có 1.098 khu di tích lịch sử, trong đó có 133 di tích quốc gia và nhiều khu di tích khác đã được xếp hạng đặc biệt quốc gia, đó là khu Côn Sơn, Kiếp Bạc… Một số điểm du lịch đẹp và nổi tiếng là Côn Sơn - Kiếp Bạc, động Kính Chủ, đền cao An Phụ, gốm sứ Chu Đậu - Mỹ Xá, đảo cò Chi Lăng Nam ...

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Trang thông tin du lịch tỉnh Hải Dương cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn

sovhttdl@haiduong.gov.vn
02203846167
73 - 75 Bạch Đằng Thành phố Hải Dương