Thành phố Hải Dương là trung tâm kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, khoa học, y tế, dịch vụ của tỉnh Hải Dương, nằm trong vùng thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố Hải Dương là thành phố trực thuộc tỉnh nằm ở trung tâm của tỉnh Hải Dương, cách Thủ đô Hà Nội 57 km, cách thành phố Hải Phòng 45 km; là đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, khu vực, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hiện nay, thành phố Hải Dương là đô thị loại I; có thành phố có 24 đơn vị hành chính cấp xã (18 phường, 6 xã với tổng diện tích tự nhiên là 111,68 km2 (11.168 ha). Quy mô dân số (người): Quy mô dân số theo số liệu thống kê tính đến 31/12/2022 là 312.606 người (trong đó: dân số thực tế thường trú là 307.506 người, dân số tạm trú quy đổi là 5.100 người).

Năm 1804, (năm Gia Long thứ 3), để củng cố bộ máy cai trị, nhà Nguyễn đã phân chia lại địa giới hành chính của cả nước, do vậy Lỵ sở Hải Dương đã được rời từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, thuộc địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao và tên gọi Thành Đông được hình thành và là phên giậu phía Đông của thành Thăng Long. Ngày 26/8/1938, tại số nhà 17, phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái), chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, tiền thân Đảng bộ thành phố Hải Dương được thành lập. Ngày 06/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/1997/NĐ-CP công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại III. Ngày 15/5/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hải Dương. Ngày 17/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 580/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương.

 Thành phố Hải Dương là một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt, là mảnh đất rất coi trọng việc học và có truyền thống từ lâu đời, có nhiều tiến sỹ nho học. Con người Thành Đông xưa- thành phố Hải Dương nay luôn đáng mến, dễ gần, cần cù, chịu khó như chính lịch sử mà cha ông họ đã gây dựng nên. TPHD có nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, với 71 di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; 252 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và 12 di tích cách mạng; 02 điểm du lịch cấp tỉnh là Cụm di tích Đền- đình Sượt – Khu 3, phường Thanh BìnhCụm di tích lịch sử - văn hóa chùa Động Ngọ - Miếu - Đình Cập Nhất - thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Với các làng nghề truyền thống, ẩm thực nổi tiếng như: Bánh đậu xanh Hải Dương; Bánh cuốn Hải Dương; Cốm làng Thạc; Làng nghề khắc ván in Lương Như Hộc (Tân Hưng); Làng nghề mộc Đức Minh (Thanh Bình); làng nghề bánh đa Lộ Cương (Tứ Minh);… và tại Bảo tàng Hải Dương nơi lưu giữ 42.000 hiện vật các loại; CLB ca trù TP Hải Dương là một trong 15 tỉnh, thành có không gian hát ca trù được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể.

Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, Thành Đông được coi là "phên dậu phía Đông",  của kinh thành Thăng Long. Hơn hai thế kỷ qua, Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương nay, luôn mang trong mình tinh thần quật khởi, khí phách dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cùng ý chí mãnh liệt vươn lên trong xây dựng, phát triển.

Nhân dân thành phố Hải Dương mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử, 8 giờ 17 phút ngày 30/10/1954, khi hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hoà Bình cũng là lúc báo hiệu thị xã Hải Dương đã sạch bóng quân viễn chinh Pháp. Người dân cũng khắc ghi vào 13 giờ cùng ngày 30/10/1954, đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản; thị xã Hải Dương được hoàn toàn giải phóng; kể từ ngày đó; Hải Dương tham gia cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện Hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Ghi nhận những chiến công và sự đóng góp to lớn của cán bộ, lực lượng vũ trangnhân dân thị xã Hải Dương, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng với các danh hiệu cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, Thành phố Hải Dương cũng đã rất vinh dự được đón Bác về thăm, lời Bác dạy: “Phải cố gắng tiến bộ”, ghi nhớ lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền nhân dân thành phố luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, lao động cần cù, sáng tạo dựng xây thành phố, góp phần xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Với sự cố gắng, nỗ lực đó, năm 1997, thị xã Hải Dương trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh và được Chính phủ quyết định thành lập thành phố. Phát huy truyền thống của các thế hệ cha,anh, Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác quản lý, xây dựng phát triển đô thị, nâng cao đời sống của người dân.

Bằng quyết tâm cao, sự phấn đấu không ngừng nghỉ, Năm 2009, thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại II, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đưa thành phố phát triển lên một tầm cao mới... và năm 2019, thành phốđược công nhận là đô thị loại I.
Đây là những mốc son lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của thành phố; với vị thế mới, thời cơ mới, thành phố được tiếp thêm sức mạnh để vững bước đi lên.Sau 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố: từ một Thành Đông xưa chỉ có diện tích chưa đầy nửa km2, với dân số chưa đến 1000 người,thì nay, thành phố Hải Dương đã phát triển với diện tích hơn 110km2, dân số hơn 300.000người.

Hiện nay giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt trên 120 nghìn tỷ, gấp 600 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.400 tỷ, gấp 22 lần. Những năm gần đây, thành phố có mức tăng trưởng kinh tế thương mại trên 14%, cơ cấu chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp. Hiện nay, thành phố đã có 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, với hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đã đóng góp quan trọng, chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của thành phố, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 2.9 triệu đồng/người/năm, thì nay đạt 80 triệu đồng/người/năm, gấp 28 lần.

Từ khi được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, đô thị thành phố không ngừng được đầu tư, phát triển thông qua nhiều dự án xây dựng đô thị mới với diện tích quỹ đất quy hoạch phát triển mới đô thị lên tới 1200ha, quỹ đất ở mới gần 400ha, trong đó hoàn thành đưa vào sử dụng trên 260ha đất ở, đáp ứng được nhu cầu phát triển trên 30.000 căn hộ ở thành phố.

Cùng với đó, nhiều công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao được làm mới, nâng cấp; đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Thành phố hiện có 7 bệnh viện, mạng lưới cơ sở y tế đồng bộ ở tất cả các xã, phường để chăm cho sức khoẻ cho người dân. Công tác giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất, với mục tiêu đào tạo, phát triển giáo dục toàn diện về tri thức, thể chất, kỹ năng, đạo đức, lối sống, “Lấy học sinh làm trung tâm”ươm trồng thế hệ chủ nhân tương lai của thành phố. Cùng với phát triển giáo dục để hướng tới tương lai, thành phố quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Thành Đông xưa- thành phố Hải Dương nay, thành phố đang giữ gìn, phát huy giá trị của hơn 300 văn hóa vật thể, gần 1000 văn hóa phi vật thể; 29 di tích được xếp hạng Quốc gia, 42 di tích xếp hạng cấp tỉnh, tổ chức các cuộc thi sáng tác nghệ thuật về thành phố, các chương trình biễu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Thành Đông xưa gắn với phát triển văn hóa Hải Dương hiện đại ngày nay. Tạo nên cốt cách riêng của “Người Thành Đông “Nói lời hay- hành động đẹp”.

Thành phố cũng luôn chú trọng và làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân; riêng tỷ lệ hộ nghèo thành phố theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia chỉ còn khoảng 0,8%.

Là địa bàn trọng yếu về An ninh, quốc phòng của tỉnh, thành phố luôn chú trọng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Công an thành phố Hải Dương, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì An ninh Tổ quốc, được Bộ Công an, tỉnh tặng nhiều Bằng Khen; Công tác Quốc phòng, quân sự thành phố cũng luôn là lá cờ đầu, được tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 và của tỉnh.

Là đô thị trung tâm của tỉnh, Chính quyền thành phố nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp với mục tiêu là nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân; xây dựng thành phố Hải Dương là một thành phố đáng sống.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, từ Chi bộ đầu tiên thành lập năm 1938 chỉ có 03 đảng viên, đến nay Đảng bộ thành phố có trên 19.000 đảng viên sinh hoạt ở 69 tổ chức cơ sở Đảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng 5 “rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm),ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị với phương châm “Đảng nói - dân tin”, “Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo”, “Chính quyền làm - dân ủng hộ” đã không ngừng củng cố niềm tin, phát huy sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Hiện nay và thời gian tới, thành phố triển khai Quy hoạch chung đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố đang và sẽ tập trung khai thác mọi nguồn lực để quyết tâm thực hiện quy hoạch chung của thành phố, cũng như thực hiện các đề án, các công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.Cùng với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, thành phố tăng cường công tác quản lý, duy trì, giữ vững trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông để nâng cao chất lượng quản lý đô thị theo các tiêu chí văn minh, hiện đại; thực hiện ngày một tốt hơnchức năng quản lý nhà nước của chính quyền đô thị. Diện mạo của thành phố đã, đang thay đổi theo thời gian, từng bước hình thành một thành phố thực sự xanh, thông minh, thân thiện an toàn theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 23 đã đề ra.

Lịch sử phát triển của thành phố là một dòng chảy không ngừng, hướng đến tương lai thịnh vượng, Thành phố đã và đang phát triển nhanh, năng động, bền vững nhưng vẫn giữ gìn hồn cốt Thành Đông xưa. Truyền thống cùng những giá trị mới đã, đang và sẽ tạo nên một thành phố đa sắc màu, hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại, năng động, phát triển, không gian mở, thân thiện với môi trường và thân thiện với người dân, du khách, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Trang thông tin du lịch tỉnh Hải Dương cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn

sovhttdl@haiduong.gov.vn
02203846167
73 - 75 Bạch Đằng Thành phố Hải Dương