Từ ngày 12-13/8, đoàn chuyên gia Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) – tổ chức tư vấn cho UNESCO về di sản thế giới thẩm định thực địa hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Hải Dương.
Đoàn chuyên gia ICOMOS nghe giới thiệu sơ lược về các di tích chùa Nhẫm Dương, động Kính Chủ
Ngày 12/8, đoàn đã khảo sát chùa Nhẫm Dương, động Kính Chủ (Kinh Môn), nghe giới thiệu sơ lược về các di tích, Ban Quản lý di tích và hệ thống phân vùng bảo vệ di tích Kính Chủ – Nhẫm Dương.
Ông Ratish Nanda, chuyên gia ICOMOS (áo đen, đứng giữa) rất tâm đắc về hệ thống di vật khảo cổ tại chùa Nhẫm Dương
Sau khi thực địa các di tích, ông Ratish Nanda, chuyên gia ICOMOS đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích. Ông Ratish Nanda nhấn mạnh, cần cắm mốc giới vùng được bảo vệ, thể hiện rõ hơn thành phần nhà ở, cánh đồng để bản đồ sát với thực tế.
Đoàn chuyên gia ICOMOS khảo sát tại vùng bảo vệ 2 và vùng đệm di tích chùa Nhẫm Dương
Nhiều vấn đề chuyên gia ICOMOS quan tâm đã được các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thị xã Kinh Môn làm rõ như: Mối liên hệ giữa động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương với khu di tích lịch sử Bạch Đằng (bãi cọc Yên Giang, đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa), tỉnh Quảng Ninh; tính xác thực toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của di tích động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương; quy chế, kế hoạch quản lý và định hướng phát huy di sản đề cử của thị xã Kinh Môn…
Ngày 13/8, đoàn khảo sát đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai (TP Chí Linh), nghe giới thiệu tóm lược về các di tích, Ban Quản lý di tích và hệ thống phân vùng bảo vệ khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Đền Kiếp Bạc là một trong những điểm quan trọng đoàn chuyên gia ICOMOS sẽ khảo sát thực địa ngày 13/8 (ảnh cơ sở cung cấp)
Đây là lần thẩm định có ý nghĩa quan trọng của đoàn chuyên gia ICOMOS. Báo cáo đánh giá của đoàn là một trong những cơ sở quan trọng để UNESCO xem xét, công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Trước đó, các đoàn chuyên gia UNESCO đã nhiều lần về Hải Dương khảo sát, tư vấn việc xây dựng hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới.
Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh với 20 điểm, cụm điểm di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia, 7 di tích quốc gia đặc biệt.
Việc xây dựng hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thể di tích được khởi động năm 2013 nhưng sau đó phải tạm dừng để bổ sung, chứng minh các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, gồm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực.
Năm 2020, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản.
Đầu năm nay, hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới. Nếu được công nhận, đây sẽ là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam sau Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng).
Nguồn: baohaiduong.vn
0 bình luận