Đầu thế kỷ thứ X, vua Lê Đại Hành đã về Dược Đậu Trang (TP Chí Linh ngày nay) lập đại bản doanh để chỉ đạo trận chiến trên sông Bạch Đằng đánh quân xâm lược nhà Tống năm 981. Thấy vùng đất này có gạo nếp ngon, nhà vua sai người đem ngâm, đồ xôi và giã thành bánh giầy cùng với chè kho dùng làm lương thảo nuôi quân sĩ. Giặc Tống bại trận, vua cho làm bánh giầy, chè kho tế trời đất, khao quân, thưởng tướng mừng thắng trận.
Nghề làm bánh chưng, bánh giầy ở An Lạc tồn tại từ đó. Người dân trong phường đời tiếp đời gìn giữ, trở thành một nghề kinh doanh, tăng thu nhập cho nhân dân. Hằng năm, tại lễ hội truyền thống đền Cao, phường An Lạc duy trì tổ chức hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho để dâng lễ và dùng làm quà tặng, quà biếu đặc trưng của địa phương. Đội nghệ nhân phường An Lạc nhiều lần đoạt giải nhất tại các hội thi bánh chưng, bánh giầy tổ chức tại các lễ hội đền Hùng, Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bánh giầy phường An Lạc, thành phố Chí Linh có vị dẻo thơm của xôi nếp, hương thơm của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo. Bánh màu trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của người dân An Lạc. Món ăn dân dã này được mọi người rất ưa thích, là món quà không thể thiếu mỗi khi có dịp về Chí Linh.
Phường An Lạc là một trong những địa phương có vùng cấy lúa nếp cái hoa vàng lớn. Toàn phường hiện có 149 ha cấy giống lúa này và dự kiến mở rộng lên từ 160-180 ha trong thời gian tới. Đây là một lợi thế lớn để An Lạc tiếp tục phát triển và nâng tầm nghề truyền thống sản xuất bánh chưng, bánh giầy. Bên cạnh đó, hằng năm lượng du khách đến tham quan, chiêm bái tại quần thể khu di tích đền Cao lớn cũng tạo là thuận lợi để quảng bá du lịch, đặc sản bánh chưng, bánh giầy.
0 bình luận