Kim Thành nằm ở phía đông tỉnh Hải Dương
1. Vị trí địa lý
Huyện có tọa độ địa lý 20°57′vĩ độ bắc, 106°30′ kinh độ đông. Trung tâm của huyện là thị trấn Phú Thái cách trung tâm thành phố Hải Phòng 23km, cách Hà Nội 79km, phía bắc giáp thị xã Kinh Môn, phía tây giáp huyện Thanh Hà và thành phố Hải Dương, phía đông nam giáp huyện An Dương – Hải Phòng.
2. Địa hình
Kim Thành được bao bọc bởi hệ thống sông Kinh Môn, sông Rạng, sông Lai Vu, sông Lạch Tray với chiều dài bao quanh 55km, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường thủy. Huyện có đường sắt và Quốc lộ 5 đi qua với chiều dài 16km nối 3 thành phố Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng, có Quốc lộ 17B dài 14,5km nối liền với An Dương – Hải Phòng, tỉnh lộ 389 dài 1,5km nối liền với Đông Triều, Quảng Ninh là điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận.
3. Khí hậu
Huyện có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt với 4 mùa; nhiệt độ trung bình là 23oC; độ ẩm trung bình hàng năm từ 78 đến 87%; lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500mm đến 1.700mm.
4. Đơn vị hành chính
Huyện Kim Thành có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Phú Thái (huyện lỵ) và 13 xã: Đại Đức, Đồng Cẩm, Hòa Bình, Kim Anh, Kim Đính, Kim Liên, Kim Tân, Kim Xuyên, Lai Khê, Ngũ Phúc, Tam Kỳ, Tuấn Việt, Vũ Dũng.
5. Diện tích, dân cư
Kim Thành có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi với diện tích tự nhiên 115.64 km2, trong đó diện tích canh tác là 14.552 ha, còn lại là diện tích thổ cư, ao hồ và kênh rạch; Dân số tính đến năm 2021 là trên 139.061 người, mật độ dân số bình quân 1.103 người/km2.
6. Kinh tế - Văn hóa - Xã hội
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo tích cực của đảng bộ, chính quyền các cấp, trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Kim Thành đã đạt được những thành tựu khả quan. Nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa; đã hình thành vùng thâm canh rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; các vùng nuôi trồng thủy sản đã góp phần cải thiện thu nhập nâng cao đời sống cho nhân dân.
Các ngành nghề thủ công truyền thống như làm mộc ở Cổ Dũng (hiện đã được phê duyệt quy hoạch Cụm tiểu thủ công nghiệp Làng nghề), nghề làm hương ở Phúc Thành… tiếp tục được duy trì và phát triển. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, với 03 khu công nghiệp: Lai Vu, Phú Thái và Kim Thành; 3 Cụm công nghiệp: Kim Lương, Quỳnh Phúc, Cộng Hòa; 20 điểm công nghiệp, dịch vụ và làng nghề đã thu hút nhiều nhà đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.
0 bình luận