Bình Giang là một trong 12 huyện thuộc tỉnh Hải Dương. Bình Giang có quốc lộ 5, quốc lộ 38 chạy qua, cách thành phố Hải Dương 20 km. Huyện có ranh giới giáp với tỉnh Hưng Yên, huyện Thanh Miện, huyện Cẩm Giàng và huyện Gia Lộc. Trước kia Bình Giang sáp nhập với huyện Cẩm Giàng thành huyện Cẩm Bình, sau đó lại tái lập năm 1997.
1. Vị trí địa lý
Bình Giang nằm ở phía Tây Nam thành phố Hải
Dương, diện tích tự nhiên là 10.478,72 ha. Phía Bắc giáp huyện Cẩm Giàng, phía
Nam giáp huyện Thanh Miện, phía Đông giáp huyện Gia Lộc, phía Tây giáp huyện Ân
Thi và Mỹ Hào của tỉnh Hưng Yên.
Bốn mặt huyện Bình Giang đều có sông: sông Kẻ Sặt ở phía Bắc, sông Đình Hào ở phía Đông, sông Cửu An ở phía Tây, sông Cầu Lâm, Cầu Cốc ở phía Nam. Trong đó sông Sặt bắt nguồn từ sông Hồng, qua cống Xuân Quan, qua cầu Lực Điền, cầu của đường 38, nối quốc lộ 5A với thành phố Hưng Yên, tiếp cận với huyện Bình Giang tại vị trí sát làng Thị Tranh, xã Thúc Kháng. Đến đây sông có nhánh chạy dọc theo phía Tây huyện, gọi là sông Cửu An; một nhánh chạy dọc phía Bắc huyện gọi là sông Kẻ Sặt, thông với sông Thái Bình, qua Âu Thuyền, thành phố Hải Dương.
2. Về kinh tế - Văn hóa - Xã hội
Bình Giang là một huyện chủ yếu là nông
nghiệp, đang đẩy nhanh phát triển mạnh dịch vụ, thương mại và công nghiệp. Năm
2023, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 264 tỷ 910 triệu đồng đạt
68,38% tỉnh giao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 13,2% so với năm 2022.
Trong đó sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản tăng 2,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp
- xây dựng tăng 15,8%. Giá trị thương mại dịch vụ tăng 13,3%. Cơ cấu kinh tế có
sự chuyển dịch tích cực (Nông nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - Thương mại, dịch
vụ đạt: 11,3-51,7-37,0). Thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu
đồng/người/năm.
Toàn huyện có 15 trạm y tế; 01 bệnh viện;
04 phòng khám đa khoa và 17 cơ sở hành nghề y dược tư nhân; đạt 6,7 bác sỹ/vạn
dân; Có 15/16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 93,7%.
Đến năm 2024, toàn huyện có 07 xã đạt
chuẩn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, (07
xã NTM nâng cao gồm: Nhân Quyền, Bình Xuyên, Bình Minh, Tân Hồng, Long Xuyên,
Vĩnh Hồng, Thúc Kháng; 02 xã NTM kiểu mẫu: Nhân Quyền, Tân Hồng).
Phát huy truyền thống hiếu học của huyện
có ‘‘Làng Tiến sỹ xứ Đông’’ - Chất lượng giáo dục và
đào tạo không ngừng được nâng cao, trong đó: Chất lượng giáo dục mũi nhọn được
duy trì, năm học 2022-2023, cấp Tiểu học hoàn thành chương trình học đạt
tỷ lệ 100%; tỷ lệ tốt nghiệp bậc THCS đạt 1358/1363 = 99,63%, tăng 0,13% so với
năm học trước; thi tuyển vào lớp 10 huyện Bình Giang xếp thứ 1 toàn
tỉnh; Tổ chức cho học sinh tập luyện, bồi dưỡng để tham gia giải Điền kinh
và học sinh giỏi cấp tỉnh đảm bảo an toàn, có chất lượng, đặc biệt là cuộc thi
học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh xếp 5/12 huyện/TX/TP; các trường tiểu
học tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc giao lưu, sân chơi trí tuệ, số
học sinh đạt giải cấp quốc gia tăng hơn so với năm học trước; các
trường mầm non xây dựng các clip về các hoạt động giáo dục trong ngày
của trẻ, các kĩ năng cần thiết cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị tâm thế vào lớp
1 chia sẻ cho cha mẹ trẻ để cùng tương tác chăm sóc giáo dục trẻ tại gia
đình; về kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc
gia: Đến tháng 11/2023 có 15/16 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và
KĐCL cấp độ 2; 13/14 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 14/17 trường THCS và
TH&THCS đạt chuẩn quốc gia.
Năm 2023 số gia đình được công nhận là gia
đình văn hóa đạt 92%; số làng, KDC văn hóa đạt 88 làng đạt 100%; có 92% cơ
quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa;
Toàn huyện có 87 lễ hội dân gian; trong đó
03 lễ hội điểm thuộc 03 di tích: lễ hội làng nghề Châu Khê; lễ hội làng nghề
Cậy và lễ hội làng Tiến sỹ Mộ Trạch. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội của huyện
luôn được tăng cường, thực hiện đúng quy chế, trang trọng, lành mạnh, tiết
kiệm, an toàn. Toàn huyện có 319 di tích, gồm: đình, đền, chùa, miếu, văn
chỉ,... trong đó có 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 45 di tích xếp hạng cấp
tỉnh. Trên địa bàn huyện có 02 Tôn giáo (Phật giáo và Công giáo) cùng phát
triển ổn định, không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; các tín đồ theo tôn
giáo khác nhau cùng chung sống hài hòa trong cộng đồng xã hội. Phật Giáo (có 92
chùa); Công giáo - có 7.754 tín đồ, tập trung chủ yếu ở thị trấn Kẻ Sặt; trong 2
Giáo xứ lớn là: Kẻ Sặt, An Tôn và 5 họ đạo); có Nhà thờ lớn Kẻ Sặt, nhà thờ
Giáo xứ An Tôn được xây dựng từ thế kỉ XIX. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có
115 cơ sở tín ngưỡng như: Đình, đền, miếu, phủ.v.v. Có Nghệ thuật hát Chèo; hát
trống quân, trong đó nghệ thuật hát trống quân đã được Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch đưa vào danh sách Văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn).
Bánh chả và bánh đa gấc Kẻ Sặt; lược làng
Vạc - Thái Minh, Gốm sứ Cậy - Long Xuyên; đồ mộc kỹ nghệ xã Bình Xuyên và Vĩnh
Hưng, Kim hoàn Châu Khê, Lương Ngọc - xã Thúc Kháng; Cơ khí Tráng Liệt- Kẻ Sặt…
là những đặc sản tiêu biểu của địa phương.
Thể thao thành tích cao năm 2023: Tham Giải bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền “Gia đình thể thao” tỉnh Hải Dương năm 2023: Đạt 01 Huy chương vàng; 03 Huy chương đồng; tham gia Giải vô địch cờ tướng Hội nhà báo tỉnh Hải Dương lần thứ 27 năm 2023: Đạt giải 3 Nội dung đồng đội.
0 bình luận