Hải Dương là vùng đất nổi tiếng với bánh đậu xanh… song thật thiếu sót nếu không nhắc đến bánh gai Ninh Giang.
Nhiều cụ cao niên trong làng khẳng định rằng nghề làm bánh gai đã có từ khoảng 700 năm về trước. Chỉ riêng nguồn gốc ra đời của chiếc bánh gai đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng nghề làm bánh gai được mang từ Thái Bình sang. Lại có câu chuyện thời đó lúa má bị mất mùa, nạn đói triền miên, dân bỏ đi tha hương nhiều nơi, có một đôi vợ chồng nghèo không có gì ăn bèn phải tìm những thứ lá tự nhiên để ăn sống qua ngày. Họ đã thấy một loại lá cây có mùi thơm, mọc rất nhiều ở các vùng đất hoang, bèn mang về nấu trộn với cơm thì thấy dẻo và ngon. Hai vợ chồng bèn thu lá về phơi khô và thái mỏng, nghiền thành bột rồi làm bánh. Bánh gai có màu đen đặc trưng và được gói bằng lá chuối tươi. Hai vợ chồng bèn lấy tên là bánh gai vì được làm từ lá của loại cây có nhiều hình gai. Về sau, con cháu của họ cải tiến bánh, cho thêm nhân đậu xanh, dừa tươi, thịt mỡ và gói bằng lá chuối khô thành bánh gai như bây giờ.
Bánh gai có hương vị, bản sắc riêng, từ cách chọn nguyên liệu chế biến đến màu sắc và cách gói bánh độc đáo. Lá gai được coi như cái “hồn” để làm bánh, tạo ra mùi vị khác lạ với các loại bánh nếp khác. Lá gai trông như lá dâu, có răng cưa được thu hoạch, chọn lựa lá bánh tẻ rồi phơi khô 2-3 nắng, sơ chế cẩn thận. Lá đem nghiền nhỏ thành thứ bột xốp xốp, mịn màng mát rượi.
Để làm ra những chiếc bánh gai ngon, người thợ phải kỹ lưỡng trong từng công đoạn. Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng, mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Bột gạo và bột lá trộn với nhau thật kỹ cùng nước đường đã đun sẵn tạo ra bột mịn dẻo.
Nhân của bánh gai được làm từ đậu xanh hấp chính, cùi dừa già, mỡ lợn chín ướp đường trong nhiều ngày. Mứt bí, mứt sen trộn đều cùng tất cả những nguyên liệu trên trong 1 tiếng đồng hồ. Ngày nay, các công đoạn làm bánh đều nhẹ nhàng hơn nhờ có sự hỗ trợ của máy móc. Sau khi nặn thành hình thêm nhân bên trong, bánh gai được gói bằng lá chuối khô để mang lại hương thơm tự nhiên. Người làm chọn tỉ mỉ từng chiếc lá để gói 1 lớp lá lòng và 1 lớp lá ngoài giữ cho bánh được lâu nhưng lại phải làm sao để chiếc bánh gai có thể bóc dễ dàng, để lâu cũng không bị “đổ mồ hôi”. Mỗi chiếc bánh ngon được làm ra đòi hỏi sự tinh tế, cẩn thận trong từng công đoạn, kinh nghiệm và bí quyết gia truyền của người làm nghề. Ngày nay, người dân Ninh Giang còn sáng tạo thêm bánh gấc. Gạo nếp sau khi sơ chế được trộn với gấc tạo nên màu sắc đẹp mắt, mùi vị khác lạ khó quên.
Hiện nay ở Ninh Giang có hơn 100 cơ sở sản xuất bánh gai. Trước đây, bánh gai chủ yếu làm ra để biếu tặng trong các ngày lễ hội, Tết, cưới xin, giỗ chạp nhưng ngày nay khách hàng từ khắp nơi tìm về thu mua bánh gai ngày càng đông.
0 bình luận