Cốm làng Thạc không chỉ là quà quý của đồng quê mà còn là nét tinh tế thanh lịch của văn hóa ẩm thực tỉnh Đông. Cốm của làng nay được bán ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Vì thế mà người làm cốm thuộc tên từng chợ to, chợ nhỏ, nhớ như in lịch lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh.

Thóc nếp cấy ở cánh đồng làng Thạc được chắt chiu, nuôi dưỡng từ phù sa sông Thái Bình nên thơm dẻo. Vào mùa lúa chín, người dân làng Thạc thu hoạch, hong khô, cất bồ để dùng dần. Ngày xưa, cốm chỉ được làm vào mùa thu, mùa lúa non, nhưng ngày nay người làng Thạc làm cốm quanh năm. Nhiều đời làm cốm nên người dân  làng Thạc biết rang thóc nếp đạt "ba róc, hai quằn". Thóc rang xong thì  phải qua 7 lần giã, 8 lần sàng mới ra hạt cốm mộc. Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hải Dương Lưu Đức Ý từng mô tả cốm làng Thạc: “Hạt cốm màu xanh, mỏng như lá me, nhấm nháp hạt cốm trong miệng dư vị ngọt mát của hương lúa nếp non còn thơm mãi trong ta”.

Cốm có màu xanh bắt mắt cũng nhờ người làng Thạc có bí quyết riêng: không dùng hóa chất mà hoàn toàn dùng màu tự nhiên nhuộm cốm. Trước đây, thời các cụ thường dùng lá mây để lên màu thì nay người dân dùng lá nếp đồ lên rồi trộn cùng cốm mộc. Lá nếp giúp cốm lên màu xanh nhẹ, lại có hương thơm dìu dịu. Khi bốc nắm cốm, màu xanh không phai ra tay mà cũng không bết dính.

Nghề làm cốm ở nhiều vùng đã thất truyền nhưng cốm làng Thạc vượt thời gian tồn tại đến ngày nay. Cốm là linh hồn của mùa thu, là hương vị của đồng quê. Giờ đây cốm làng Thạc đang được quan tâm phát triển trở thành sản phẩm OCOP của TP Hải Dương. Nhiều nơi trong và ngoài tỉnh biết đến thương hiệu cốm này. 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Trang thông tin du lịch tỉnh Hải Dương cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn

sovhttdl@haiduong.gov.vn
02203846167
73 - 75 Bạch Đằng Thành phố Hải Dương