Huyện Thanh Miện nằm ở phía tây nam của tỉnh Hải Dương
1. Vị trí địa lý
Huyện Thanh Miện có tọa độ địa lý 20°45′vĩ độ bắc, 106°11′ kinh độ đông nằm cách thành phố Hải Dương khoảng 23km về phía tây nam, cách thành phố Hưng Yên khoảng 25km, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60km, có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Gia Lộc và huyện Ninh Giang; Phía tây giáp huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; Phía nam giáp huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình và huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; Phía bắc giáp huyện Bình Giang.
2. Địa hình
Đất nông nghiệp của huyện ở địa hình dốc từ tây bắc xuống đông nam, có cao trình cao, thấp xen kẽ nhau.
Theo đó cơ cấu đất nông nghiệp của huyện rất phức tạp, trong đó 1.489 ha đất chân cao; 4.412 ha đất chân vàn; 1.688 ha đất chân thấp; 277 ha đất trũng và 685 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.
Nhìn chung đất nông nghiệp ở Thanh Miện nghèo dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng, tỷ lệ đất nghèo lân chiếm 60% (4.720 ha) và có tới 6.028 ha ở độ chua cấp I (pH< 4,5; chiếm 70%).
Thanh Miện có đường Quốc lộ 38B chạy từ thành phố Hải Dương qua thị trấn Thanh Miện trung tâm huyện và các xã Cao Thắng, Tứ Cường nối tới tỉnh Ninh Bình đi các tỉnh phía nam.
Đường tỉnh có 20A nối trung tâm huyện với Bình Giang đi Hà Nội; các tuyến 20B; 39D chạy theo trục bắc nam, đông tây nối Thanh Miện với các huyện lân cận. Ngoài ra, hệ thống giao thông thủy với sông Luộc; sông Cửu An; sông Hàng Kẻ Sặt và 3 bến chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hoá giữa Thanh Miện với các tỉnh, các huyện khác.
Các dự án giao thông lớn qua địa bàn huyện: Trục Đông tây tỉnh Hải Dương, trục Bắc nam huyện nối với các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL5, QL10, QL37 và nhiều tuyến đường tỉnh lộ.
Nguồn nước tưới, tiêu trên địa bàn huyện cũng khá đa dạng và ổn định, do Thanh Miện nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Phía nam huyện giáp sông Luộc với chiều dài 2,8 km. Trong nội đồng có sông Hàng Kẻ Sặt và sông Cửu An là những nhánh của sông đào Bắc Hưng Hải.
3. Khí hậu
Do nằm trong vị trí trung tâm của đồng bằng sông Hồng nên Thanh Miện có khí hậu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trong năm phân biệt thành bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Lượng mưa trong năm tập trung từ tháng 4 đến tháng 9 và mưa rất ít từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Lượng nước mưa trung bình trong năm của huyện từ 1.350 đến 1.600mm (cao nhất là 2.501mm vào năm 1973 và thấp nhất là 752,2mm vào năm 1989). Nhiệt độ trung bình 23,3°C; số ngày nắng từ 180 đến 200 ngày một năm. Độ ẩm trung bình từ 81 đến 87%.
4. Đơn vị hành chính
Huyện Thanh Miện có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Thanh Miện (huyện lỵ) và 16 xã: Cao Thắng, Chi Lăng Bắc, Chi Lăng Nam, Đoàn Kết, Đoàn Tùng, Hồng Phong, Hồng Quang, Lam Sơn, Lê Hồng, Ngô Quyền, Ngũ Hùng, Phạm Kha, Tân Trào, Thanh Giang, Thanh Tùng, Tứ Cường. Trong đó Thị trấn Thanh Miện và xã Đoàn Tùng là đô thị loại V.
5. Diện tích, dân cư
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 122,321 km² trong đó đất nông nghiệp 8.551 ha; đất khu dân cư 865 ha và đất chưa sử dụng 304 ha. Mật độ dân số tính theo website Chính phủ là 1.075 người/km².
6. Kinh tế - Văn hóa - Xã hội
Về kinh tế: Thanh Miện là huyện đang được chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh Hải Dương. Thanh Miện hiện có 4 Cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động: CCN Đoàn Tùng 1, CCN Đoàn Tùng 2, CCN Cao Thắng, CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang. Trong thời gian tới sẽ có thêm một số khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Cùng với Bình Giang, Thanh Miện nằm trong quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt Thanh Miện - Bình Giang.
Thanh Miện không có nhiều làng nghề như các huyện phía Bắc. Các ngành nghề sản xuất, nghề phụ trong huyện vẫn chủ yếu là trong nhóm nông nghiệp. Nhóm nghề dịch vụ hầu như mới chỉ phát triển đáng kể ở khu vực thị trấn Thanh Miện, xã Đoàn Tùng, phố Thông. Các làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề, nghề truyền thống và nghề phụ tập trung ở các địa phương trong huyện: Làng nghề làm bánh đa Đào Lâm (Đoàn Tùng); Làng nghề bánh đa Tào Khê (Chi Lăng Bắc); Trồng rau, màu ở Phạm Kha, Đoàn Tùng; Làng nghề đan lát Đan Giáp (Thanh Giang); Vặn chổi rơm, thợ xây An Nghiệp (Tứ Cường); Làng thêu tranh, móc sợi La Ngoại (Ngũ Hùng); Làm dây thừng Nại Trì (Ngũ Hùng); Làng nghề bánh đa Hội Yên (Chi Lăng Nam); Nuôi trồng thủy sản Tòng Hóa, Triều Dương, Phú Khê...; Làng nghề móc sợi, tranh An Dương (Chi Lăng Nam).
Về di tích, danh thắng: Công tác quảng bá, giới thiệu với du khách về các điểm du lịch trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo. Trọng tâm là Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam và Nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Riêng với Đảo Cò - Chi Lăng Nam, có rất nhiều lợi thế bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, độc đáo để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá. Trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch, đã thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia và hoạch định phát triển du lịch, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Đối với Nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, đây là “địa chỉ đỏ” vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, vừa khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch chính là đích đến của loại hình du lịch đậm chất nhân văn này. Theo tổng hợp: số lao động tham gia hoạt động dịch vụ du lịch khoảng 240 người, số hộ tham gia dịch vụ du lịch là 40 hộ. Tổng doanh thu từ các hoạt động liên quan đến du lịch trên địa bàn huyện năm 2022 ước đạt 25,5 tỷ đồng.
Trong năm 2023, huyện Thanh Miện tiếp tục coi trọng hơn nữa các giải pháp kết nối, tăng tính hấp dẫn cho các điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ một cách đồng bộ để thu hút nhiều hơn du khách đến tham quan du lịch.
0 bình luận