Huyện Thanh Hà nằm ở phía đông nam tỉnh Hải Dương

1. Vị trí địa lý

Huyện Thanh Hà nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương. Phía Đông và phía Bắc giáp huyện Kim Thành, phía Đông Nam giáp huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Tứ Kỳ, phía Tây Bắc giáp thành phố Hải Dương, phía Nam giáp huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. với diện tích tự nhiên 14,071km2. Huyện Thanh Hà có 4 khu với 15 xã, 01 thị trấn:

Khu Hà Nam gồm 04 xã, thị trấn: Thanh Xuân, Thanh Tân, Thanh Sơn, Thị trấn Thanh Hà.

Khu Hà Bắc gồm 06 xã: Thanh An, Thanh Lang, Cẩm Việt, Hồng Lạc, Tân Việt, Liên Mạc.

Khu Hà Đông  bao gồm 03 xã: Thanh Quang, Vĩnh Cường, Thanh Hồng.

Khu Hà Tây bao gồm 03 xã: Thanh Hải , Tân An, An Phượng.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa vùng trọng điểm của đồng bằng Bắc Bộ trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Huyện còn được bao quanh bởi các con sông lớn như: sông Thái Bình (ở phía Tây Nam), sông Rạng, sông Văn Úc (ở phía Đông Bắc) bao bọc quanh tạo nên các tuyến giao thông  đường thuỷ rất quan trọng với thành phố Hải Dương và các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành và giữa Hải Dương với cảng Hải Phòng, Quảng Ninh. Chính vì vậy, huyện Thanh Hà có vị trí hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và quân sự của tỉnh Hải Dương. Hệ thống dòng sông Hương dài khoảng 21km, qua địa phận của 07 xã, thị trấn (Hồng Lạc, Cẩm Việt, Tân Việt, Thị Trấn Thanh Hà, Thanh Tân, Thanh Xuân, Liên Mạc) tạo nên các tuyến giao thông đường thủy thuận lợi.    

2. Điều kiện tự nhiên

Điều kiện tự nhiên: địa hình thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả như vải thiều, ổi, bưởi,… Khí hậu cận nhiệt đới ẩm chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông)  là điều kiện tốt để phát triển nông nghiệp chuyên canh và khai thác lợi thế cây đặc sản. Tài nguyên đất là vùng đất sa bồi và nước thuận lợi cho việc tưới tiêu và chăm sóc cây trồng. Đặc biệt là dòng sông Hương với hai bên bờ sông rộng mở, lòng sông đủ sâu, dòng chảy đều, cây trái hai bên tươi tốt… để khai thác du lịch sinh thái.  

2.1. Địa hình: Huyện Thanh Hà nằm trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa của các sông Thái Bình, sông Văn Úc và sông Rạng. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả và đặc sản Vải thiều.

2.2. Khí hậu: Là vùng có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Vào giai đoạn từ tiết lập xuân đến hết thanh minh (khoảng tháng 2 đến đầu tháng 4 dương lịch) có hiện tượng mưa phùn và nồm là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa khô sang mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng tư đến tháng 10 hàng năm. Mùa đông lạnh và hanh khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Khí hậu thời tiết thuận lợi là điều kiện tốt cho phát triển nông nghiệp chuyên canh và khai thác lợi thế cây đặc sản và nuôi thủy, hải sản.

2.3. Tài nguyên đất nước: Thanh Hà là vùng đất sa bồi đã qua hàng vạn năm bồi tụ và cũng là quê hương ngàn năm của người Việt cổ, là vùng đất có địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số ngành nghề. Bên cạnh đó có mạng lưới sông ngòi, kênh mương khá dày đặc, bao quanh  phía Bắc, Đông Bắc của huyện là sông Rạng, một nhánh của sông Kinh Thầy; giáp ranh phía Tây Nam huyện là sông Thái Bình. Về mùa mưa, hệ thống trị thủy sông Hương đã điều tiết nên dòng sông nước trong, ít phù sa, cũng chính vì vậy nên nước sông Hương có độ đục thấp, nước ngọt, chất lượng tốt, rất thuận lợi cho việc tưới tiêu và chăn sóc các loại cây trồng trên khu vực lân cận, đồng thời cũng thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái gắn với các hội như bắt vịt, câu cá, câu cáy, đua thuyền… Đặc biệt là dòng sông Hương có hệ thống điều tiết, ngăn nước từ đầu nguồn đổ xuống, lại có cơ hội đưa nước ra ngoài các sông lớn, Đây như là một hồ điều hòa vừa cấp nước tưới, vừa tiêu nước cho đồng bãi và các vùng lân cận. Khu vực quy hoạch du lịch sinh thái sông hương có nền tảng sinh thái sông Hương thuộc phạm vi đẹp nhất của tuyến sông Hương, hai bên bờ rộng mở, khu vực có lòng sông đủ sâu, dòng chảy đều, cây trái hai bên tươi tốt, hài hòa, thuận lợi tiếp cận các quỹ đất mở rộng về hai phía để khai thác du lịch đường sông và du lịch sinh thái mặt nước. Chiều dài dòng sông trên 20km, uốn lượn qua địa bàn các xã, thị trấn và đây thực sự là một tuyến du lịch đường sông hấp dẫn cho du khách với thời lượng lên bến, xuống thuyền và ngắm cảnh, thăm quan, vui chơi đủ trong ngày.

3. Tiềm năng, thế mạnh

3.1. Về tài nguyên du lịch nhân văn: Huyện Thanh Hà là một vùng đất giàu về tiềm năng du lịch tâm linh, có bề dày về các truyền thuyết lịch sử với trên 300 di tích lịch sử - văn hóa bao gồm đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, văn chỉ,... gắn với truyền thống lịch sử của địa phương (trong đó có 10 di tích xếp hạng quốc gia, 17 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Các di tích lịch sử - văn hóa được phân bố tương đối đồng đều giữa các địa phương và có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch tiêu biểu như: Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước, Lễ hội truyền thống chùa Hào Xá, Chùa Minh Khánh, Đền Từ Hạ, Đền Ngọc Hoa,..., cụ thể như:

- Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước: Phường rối nước Thanh Hải có lịch sử hơn 300 năm, ột trong những điểm độc đáo của phường rối này chính là ở tích trò do các Trưởng phường, các phường viên sáng tác ra. Nội dung chủ yếu là phản ánh về các sinh hoạt đời sống bình dị của người dân Đồng bằng Bắc Bộ như: Hội thi xuống đồng, Vinh quy bái tổ, Pháo chạy chuột... Không chỉ biểu diễn cho bà con trong làng xem, phường rối còn thường xuyên được mời đi biểu diễn ở khắp các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ, giành được nhiều giải cao trong các hội diễn toàn quốc. Vì vậy mà làng rối nước Thanh Hải đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tổ chức văn hóa, cùng với những người yêu thích nghệ thuật rối nước Việt Nam. Nghệ thuật múa rối nước xã Thanh Hải cũng là một điểm điểm thu hút các đối tượng khách quốc tế về tham quan và thưởng thức, du khách tập trung ở các nước Úc, Đức, Anh, Tây Ba Nha, Campuchia…và đã được mời đi biểu diễn ở một số nước.

- Lễ hội truyền thống chùa Bạch Hào: Chùa Bạch Hào, xã Thanh Tân được khởi dựng cách đây gần 1.000 năm, với hệ thống bia đá và bệ đá hoa sen thời Trần, chùa được công nhận di tích cấp Quốc gia năm 1993, lễ hội chùa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa thể hiện nét sinh động của làng quê Việt.…

- Chùa Minh Khánh, thị trấn Thanh Hà là một di tích lịch sử cấp Quốc gia, có từ thời Lý đến cuối thế kỷ 13. Chùa Minh Khánh gắn liền với tên tuổi vị vua anh minh Trần Nhân Tông nhà tu hành đắc đạo, là vị sư tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (Trúc lâm tam tổ). Chùa còn lưu giữ 9 hạt màu đen có lỗ xỏ như tràng hạt của nhà sư, được bảo lưu trong một hộp rất trang trọng, tương truyền đó là 9 hạt xá lỵ của phật hoàng Trần Nhân Tông.

- Đền Từ Hạ, xã Thanh Quang được kiến tạo vào thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XVII - XVIII). Năm Tự Đức Bính Thìn (1856) tu sửa cho cao rộng. Là nơi thờ ba vị Thành hoàng làng đã có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ thứ X. Lịch sử của ba vị Thành hoàng được ghi trong thần tích và bia ký (lập năm 1895). Tại di tích còn lưu giữ 8 đạo sắc phong thời Nguyễn và một số câu đối, cuốn thư ca ngợi công trạng của các vị Thành hoàng; Đền Từ Hạ cũng là nơi làm việc của Tỉnh ủy Hải Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Đền Ngọc Hoa, xã Thanh An: theo truyền ngôn di tích được xây dựng  năm 1572, được lấy tên nhân vật lịch sử của địa phương, đồng thời là nhân vật chính trong truyện nôm khuyết danh Phạm Tải - Ngọc Hoa, trong khu di tích trước đây cũng như hiện nay: “Tiền thần, trung phật, hậu thánh” - thờ Thành hoàng Trần công, thờ phật và thờ Ngọc Hoa. Khu di tích gồm có Đình và Đền kiến trúc thời Nguyễn, ngoài ra còn có diện tích khu hồ phía trước, tam quan và đình đền chùa ở đây đều quay hướng nam và hình chữ Đinh (J).

Điều đặc biệt, tại các di tích lịch sử - văn hóa đều gắn liền với các lễ hội truyền thống tạo nên sức hấp dẫn du lịch rất cao. Hòa mình trong không gian lễ hội, ở mức độ nào đó du khách có thể thấy được, hiểu được phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Lễ hội là một hình thức văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống của mỗi dân tộc gắn với các di tích lịch sử, thường là một phần trong các chương trình thu hút, quảng bá của khu du lịch, không thể tách rời nội dung lễ hội ra khỏi các di tích. Vì vậy cần khai thác di tích lịch sử với lễ hội truyền thống như một loại hình du lịch văn hóa chuyên đề gắn với các tour du lịch. Từ xa xưa người dân Thanh Hà đã luôn duy trì nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn trong lễ hội như: pháo đất, chọi gà, bịt mắt bắt dê, nấu cơm thi, bắt vịt, bơi thuyền chải, múa rối nước, đốt cây bông... thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng dân cư và đặc biệt thu hút khách thập phương.

3.2. Tiềm năng về các làng nghề và sản vật địa phương

- Các làng nghề: Xa xưa huyện Thanh Hà là vùng đất hình thành và phát triển lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống như nghề đóng thuyền, vận tải đường sông nổi tiếng cả vùng; làng nghề trồng vải thiều Thúy Lâm; làng nghề chiếu cói Tiên Kiều; làng nghề ấp vịt Tân An... tuy nhiên qua quá trình hình thành lịch sử và sự biến đổi của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

- Khu miệt vườn cây trái và khu vực bãi rươi, bãi cáy: Với trình độ thâm canh và tiến bộ của khoa học công nghệ, hiện nay trên địa bàn huyện duy trì khoảng 6.828 ha cây ăn quả (Vải: 3.328 ha; Ổi: 1.800 ha; Bưởi: 220 ha; Quất: 350 ha; Chuối: 500 ha; cây ăn quả khác: 630 ha), 181 vùng trồng cây tập trung. Các loại cây ăn quả chủ lực đã và đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt cây vải thiều Tổ (thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn) đã có cách đây gần 200 năm, là điểm nhấn và tạo sức hút cho du khách khi đến du lịch với quê hương vải thiều Thanh Hà. Bên cạnh đó du khách cũng có thể được hòa mình với thiên nhiên và thăm thú, trải nghiệm tại những miệt vườn cây trái và vùng khai thác thủy sản như:

+ Miệt vườn Đồng Mẩn - Đồng Quao (Thị trấn Thanh Hà), với diện tích 11,5 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, du khách được thưởng thức trải nghiệm đi thuyền trên dòng sông nội đồng uốn lượn có chiều dài 2,5 km hoặc đi bộ ngắm cảnh và hái vải.

+ Khu vực Bãi Soi xã Thanh Xuân, với diện tích 45 ha trồng các loại cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap như: ổi, chuối, mít, táo, hồng xiêm… trải nghiệm nuôi trồng và khai thác đặc sản rươi, cáy với diện tích 44,4 ha.

+ Vùng trồng ổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap khu vực Đồng Cam, xã Liên Mạc với diện tích 250 ha; Vùng trồng bưởi tại xã Thanh Hồng với diện tích là 80 ha.

+ Vùng vải sớm trên khu vực sông Đồng Bửa thuộc địa phận xã Thanh Quang và Thanh Hồng kết hợp tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia Đền Từ Hạ (xã Thanh Quang) là nơi làm việc của Tỉnh ủy Hải Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

+ Vùng bảo tồn và khai thác rươi, cáy xã Vĩnh Cường với diện tích 46,6ha đã thành lập hợp tác xã khai thác rươi, cáy tự nhiên và đang tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Trang thông tin du lịch tỉnh Hải Dương cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn

sovhttdl@haiduong.gov.vn
02203846167
73 - 75 Bạch Đằng Thành phố Hải Dương