Huyện Nam Sách nằm ở phía bắc của tỉnh Hải Dương.
1. Lịch sử hình thành
Địa danh
Nam Sách có từ thế kỷ thứ X; trải qua các thời kỳ, tên gọi và địa giới hành
chính của huyện có sự thay đổi khác nhau, nhưng vẫn giữ được tên Nam Sách: Nam
Sách Giang, Nam Sách lộ, Nam Sách Thừa Tuyên, Nam Sách phủ, Nam Sách huyện suốt
từ thời Đinh, Lê, Lí, Trần... đến nay.
Thời nhà
Nguyễn, năm Gia Long thứ 3 (năm 1804), cả huyện Chí Linh cũ, ba tổng của huyện
Gia Lương (Bắc Ninh), một phần huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) và Nam Sách, Thanh
Hà ngày nay đều nằm trong một đơn vị hành chính chung gọi là phủ Nam Sách.
- Tháng
7/1947 Nam Sách thuộc tỉnh Quảng Yên.
- Tháng
12/1948 Nam Sách chuyển về thuộc tỉnh Hải Dương.
- Ngày
7/11/1949 Nam Sách lần thứ hai chuyển về tỉnh Quảng Yên.
- Ngày
22/02/1955 Nam Sách chuyển về tỉnh Hải Dương.
- Ngày
01/4/1979 huyện Nam Sách hợp nhất với huyện Thanh Hà, đổi tên thành huyện Nam
Thanh.
- Ngày
01/4/1997 huyện Nam Sách được tái lập gồm 23 xã, thị trấn.
- Ngày
01/7/2008, 04 xã gồm Nam Đồng, Ái Quốc, An Châu, Thượng Đạt chuyển về thành phố
Hải Dương (huyện Nam Sách còn 18 xã, 01 thị trấn).
- Ngày
01/12/2024 huyện Nam Sách sau sáp nhập xã, thị trấn: còn 14 xã và 01 thị trấn.
2. Vị trí địa lý
Nam Sách
là một trong 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương, nằm ở phía Đông
Bắc tỉnh. Huyện có phía Bắc giáp TP Chí Linh, phía Đông giáp huyện Kinh Môn và
Kim Thành, phía Tây giáp huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), phía Tây Nam giáp
huyện Cẩm Giàng, phía Nam giáp thành phố Hải Dương. Huyện cách thủ đô Hà Nội
hơn
Nam Sách
có diện tích tự nhiên 111 km2, dân số 130.715 người. Nam Sách nằm trong vùng
Đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai được hình thành bởi sự bồi lắng phù sa
của các sông Thái Bình, Kinh Thầy và Lai Vu. Địa hình tương đối bằng phẳng,
thuận lợi cho việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển một số
ngành nghề khác.
Huyện có
15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 xã (An Bình, An Sơn, An Phú, Cộng Hòa,
Đồng Lạc, Hiệp Cát, Hồng Phong, Hợp Tiến, Minh Tân, Nam Hưng, Nam Tân, Trần Phú,
Quốc Tuấn, Thái Tân), 01 thị trấn Nam Sách - là trung tâm kinh tế - chính trị
của huyện. Toàn huyện có 93 thôn, khu dân cư.
3. Văn hóa - xã hội
Nam Sách là
mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, có truyền thống hiếu học và khoa bảng, là nơi sinh
ra, nuôi dưỡng nhiều nhân tài lỗi lạc, nhiều danh nhân văn hoá của quê hương,
đất nước. Tỉnh Hải Dương có 10 vị trạng nguyên, thì Nam Sách có 5 vị, gồm:
- Thủ khoa
Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích (1086), người Long Động, Nam Tân;
- Trạng
nguyên Trần Quốc Lặc (1256) người Uông Hạ, Minh Tân;
- Lưỡng quốc
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1304) người Long Động, Nam Tân;
- Trạng
nguyên Trần Sùng Dĩnh (1487) người Đồng Khê, An Lâm;
- Trạng
nguyên Vũ Dương (1493) người Mạn Nhuế, Thanh Lâm.
Qua các
triều đại phong kiến là huyện có số người đỗ tiến sĩ nhiều nhất cả nước, tới
125 tiến sĩ nho học.
Hiện nay, Nam
Sách có 29 khu di tích lịch sử được xếp hạng (Cấp Quốc gia có 10 khu di
tích; cấp tỉnh có 19 khu di tích); 5 điểm du lịch và nhiều công trình có
kiến trúc độc đáo, cổ kính, mang đậm nét vùng đồng bằng sông Hồng.
- Khu tưởng
niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Nam Chính (nay là xã Trần Phú);
- Nhà bia nơi
thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương tại xã Hợp Tiến;
- Đền Long
Động xã Nam Tân;
- Đình Đầu xã
Hợp Tiến;
- Chùa Trăm
Gian xã An Bình;
- Đình Vạn
Niên thị trấn Nam Sách;
- Đình Nhân
Lý thị trấn Nam Sách;
- Từ Vũ
Thượng Đáp, xã Nam Hồng (nay là thị trấn Nam Sách);
- Nghè Đồn xã
Nam Hồng (nay là thị trấn Nam Sách);
- Đền thờ
Đặng Huyền Thông xã Minh Tân;
- Di tích khảo
cổ học Chu Đậu xã Thái Tân;
- Từ đường
dòng họ Trần Điền Trì xã Quốc Tuấn.
4. Truyền thống cách mạng
Nam Sách là
địa phương giàu truyền thống yêu nước, ngay từ những năm 1936, 1937, trên địa
bàn huyện Nam Sách đã có nhiều cơ sở cách mạng được hình thành. Đến đầu năm
1940 phong trào cách mạng của huyện càng phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra
nhiều xã trong huyện. Ngày 10/7/1940 Tỉnh uỷ lâm thời Tỉnh Hải Dương được thành
lập tại Tạ Xá (xã Hợp Tiến ngày nay). Ngày 20/7/1940, tại nhà ông Nguyễn
Văn Dĩu, ở thôn Đầu - Tạ Xá (nay là xã Hợp Tiến), Ban Phủ uỷ
lâm thời huyện Nam Sách được thành lập gồm 3 đồng chí: Lê Bích Sam, Bùi Quang
Tuỵ và Lê Thị Quỳnh; trong đó đồng chí Lê Bích Sam được chỉ định làm Bí thư.
Sau khi thành
lập, Phủ ủy Nam Sách đã lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển rộng khắp ở
các xã trong huyện. Nhiều cơ sở cách mạng được củng cố, xây dựng. Nắm bắt kịp
thời chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy lâm thời
Hải Dương, Phủ uỷ Nam Sách đã lãnh đạo nhân dân toàn huyện đứng lên đập tan
xích xiềng nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách
mạng, góp phần làm nên thắng lợi cách tháng Tám năm 1945.
Hưởng ứng lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Nam Sách đã
lãnh đạo nhân dân trong huyện bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện
chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết
sinh”. Quân và dân Nam Sách đã kiên trì bám đất, bám làng, tổ chức
đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, bắt sống hàng nghìn tên địch, thu
nhiều vũ khí các loại của địch, cùng với quân và dân Hải Dương làm nên “Tiếng
sấm đường 5” anh hùng.
Hòa bình lập
lại, Đảng bộ Nam Sách đã tập trung lãnh đạo nhân dân trong huyện cùng với nhân
dân Miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Miền Bắc đi lên chủ nghĩa
xã hội.
Trong 2 cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ biên
giới Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Nam Sách đã động viên hàng vạn người con ưu
tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn huyện có hơn 2.800 liệt sỹ,
hơn 2.400 thương, bệnh binh; 291 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh
hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, cùng hàng nghìn gia đình có
công với nước.
Với những
đóng góp to lớn và những thành tích đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Nam Sách được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều
phần thưởng cao quý; huyện Nam Sách cùng 5 xã và 09 cá nhân vinh dự được phong
tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
- Liệt
sỹ Mạc Thị Bưởi: Thôn Long Động, xã Nam Tân.
- Liệt
sỹ Nguyễn Đăng Lành: Thôn Trần Xá, xã Nam Hưng.
- Liệt
sỹ Nguyễn Trung Goòng: Thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong.
- Liệt
sỹ Nguyễn Đức Sáu: Thôn Uông Hạ, xã Minh Tân.
- Liệt
sỹ Đỗ Chu Bỉ: Thôn An Lương, xã An Lâm.
- Đặng
Đức Song: Thôn Chi Đoan, xã Cộng Hoà.
- Nguyễn
Nhật Chiêu: Thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn.
- Vũ
Ngọc Diệu: Thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn.
- Liệt
sĩ Lê Văn Nhân: Thôn Kim Bảng, xã Phú Điền.
Đặc biệt Nam Sách đã 2 lần vinh dự được
đón Bác Hồ về thăm; nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng,
Nhà nước và quân đội về thăm, động viên phong trào.
5. Phát triển kinh tế - xã hội
Dưới sự lãnh
đạo của Đảng bộ, trong hơn 80 năm qua, Nam Sách từ một huyện nghèo, lạc hậu, đã
từng bước phát triển và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh
vực. Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước; dưới sự
lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ, nhân dân Nam Sách đã phát huy
truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới; lãnh
đạo nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn, gian khổ, giành
được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc.
Kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9
- 11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; nông nghiệp phát triển theo hướng
sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Chương trình xây dựng
Nông thôn mới được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự
đồng thuận hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ
đã ký quyết định công nhận huyện Nam Sách đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đến
hết năm 2024, huyện có 10 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt tiêu
chí Nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu năm 2025 huyện đạt tiêu chí Nông
thôn mới nâng cao.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm chú trọng. Đến nay, 100%
trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 100%. Công tác
y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được thực hiện tốt.
Phong trào “Toàn dân xây dựng đời
sống văn hoá”, xây dựng làng, khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá, cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá được quan tâm chỉ đạo. Năm 2024, toàn huyện
có trên 90% gia đình văn hoá, 96,7% làng, khu dân cư văn hoá, 96% cơ quan, đơn
vị đạt chuẩn văn hoá; có 357 hộ nghèo, chiếm 0,82%, 488 hộ cận nghèo, chiếm 1,13%.
Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng
Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -
xã hội từ huyện đến cơ sở ngày càng được quan tâm chỉ đạo.
6. Tổ chức Đảng,
đảng viên
Đến nay, Đảng bộ huyện Nam Sách đã trải qua 28 kỳ đại
hội. Đến tháng 12 năm 2024, Đảng bộ huyện có 39 tổ chức cơ sở Đảng,
7.025 đảng viên (gồm 25 Đảng bộ và 14 Chi bộ cơ sở); trong
đó: 15 Đảng bộ xã, thị trấn; 10 Đảng bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp; 14
Chi bộ cơ quan, doanh nghiệp.
0 bình luận