Mang trong mình bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, Kinh Môn đã vươn mình không ngừng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, góp phần nâng cao cả về kinh tế và chất lượng đời sống người dân. Đó là một hành trình dài với nhiều gian nan, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc để đưa vùng quê văn hiến anh hùng trở thành đô thị loại III, đô thị động lực của tỉnh Hải Dương.
1. Vị trí địa lý
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh và
Thành phố Hải Phòng, Thị xã Kinh Môn là một trong 4 đô thị động lực và là cửa
ngõ quan trọng, trung
tâm phát triển phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương. Thị xã Kinh Môn có diện tích tự
nhiên khoảng 16.536 ha, bao gồm 22 đơn vị hành chính với 15 phường nội thị và 7
xã ngoại thị. Nơi đây,
cho tới ngày nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, di tích lịch
sử nổi tiếng gắn với tên tuổi các bậc danh nhân, hiền tài trong lịch sử dân tộc.
2. Về kinh tế - Văn hóa - Xã hội
Vùng đất
Kinh Môn là một vùng trầm tích văn hoá lớn với hệ thống Đền, Chùa, Miếu, hang động
khảo cổ học dày đặc đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc
gia. Đó là Đền Cao An Phụ - nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ anh hùng
dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn 3 lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh
thắng giặc Nguyên Mông. Đó là Động Kính Chủ - Nơi vùa Trần chọn làm nơi đặt “Đại
bản doanh” chỉ huy trận chiến đánh giặc Nguyên Mông, cũng là “Nam thiên đệ lục
động – động đẹp thứ 6 trời Nam”, nơi còn lưu hệ thống văn bia Ma Nhai lớn nhất
cả nước, bảo vật Quốc gia. Rồi đến chùa Nhẫm Dương và hệ thống hang động chùa
Nhẫm Dương, nơi chốn tổ thiền phái Tào Động Việt Nam và “Bảo tàng khảo cổ học”
lớn nhất Việt Nam. Động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương cũng là hợp phần quan trọng
nằm trong quần thể di tích – danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc
đang được đề xuất UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Từ một vùng
đất bán sơn địa đồi núi hiểm trở, sông ngòi ngăn cách, những năm gần đây, Kinh
Môn đã đạt được những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế xã hội. Tăng
trưởng kinh tế năm 2024 của địa phương đạt 11,7%, vượt 2% so với kế hoạch đề
ra. Trung bình 3 năm 2021-2023, tăng trưởng kinh tế của thị xã đạt 9,39%. Với kết
quả này, thị xã Kinh Môn vượt tiêu chuẩn về tăng trưởng kinh tế của đô thị loại
III. Nhóm
ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 66,3%; thương mại, dịch vụ chiếm 26,3%,
nông nghiệp, thủy sản chiếm 7,4% trong tổng giá trị sản phẩm. Cơ cấu kinh tế của
Kinh Môn đang chuyển dịch nhanh và đúng hướng, phù hợp với quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, nền kinh tế luôn duy trì ở mức tăng trưởng
cao ( trung bình 5 năm gần đây tốc độ gia tăng tổng giá trị sản xuất đạt trên
11%.
Tiềm năng khoáng sản
phong phú, đặc biệt là các khoáng chất công nghiệp như cao lanh, đá vôi xi
măng, đá vôi xây dựng, sét xi măng, sét gạch ngói…là đặc trưng và ưu thế lớn để
thị xã phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Giá trị sản xuất của
nhóm ngành này đóng góp gần 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong
phát triển công nghiệp, thị xã Kinh Môn
đã có các cụm công nghiệp Long Xuyên, Minh Tân, Phú Thứ cơ bản được lấp đầy; 5
cụm công nghiệp đã được phê duyệt gồm: An Phụ, Thăng Long, Thất Hùng, Quang
Trung, Bạch Đằng, đây là dư địa lớn để thị xã thu hút doanh nghiệp đến tìm hiểu,
đầu tư sản xuất. Những năm qua, để nâng cao sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho nền
kinh tế, thị xã luôn quan tâm, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh
nghiệp, nhà đầu tư. Nhờ đó, trên địa bàn đã thu hút được nhiều
doanh nghiệp lớn.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trên
địa bàn thị xã có nhiều khởi sắc. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,
cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh, hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng đầy đủ
nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Về phát triển đô thị: Năm 2019, Kinh Môn đã được nâng cấp từ huyện lên thị xã. Với vị thế
riêng có, tiềm năng đặc trưng và những kết quả đạt được, Kinh Môn được tỉnh định
hướng là một trong 3 đô thị động lực của tỉnh Hải Dương và trở thành đô thị loại
3, hướng tới thành lập thành phố Kinh Môn, là khu vực phát triển tổng hợp đa
ngành với các trung tâm kinh tế lớn, chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng,
du lịch văn hoá, liên kết du lịch gắn với hành lang du lịch Nội Bài – Bắc Ninh – Hải Dương – Quảng Ninh; xây dựng
đô thị văn minh hiện đại.
Với địa hình đồi núi xen kẽ đồng bằng,
khí hậu ôn hòa, Kinh Môn tiếp tục khẳng định thế mạnh trong nông nghiệp. Trên địa bàn thị xã đã có
nhiều mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng nông
nghiệp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường. Địa phương đã có 13 sản phẩm
đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, 30 sản phẩm OCOP cùng với các vùng
chuyên canh nông sản chất lượng cao đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường
trong nước và hướng đến xuất khẩu. Thị xã Kinh Môn là địa phương điển hình ở tỉnh
Hải Dương trong xây dựng nông thôn mới khi cán đích nông thôn mới cấp huyện đầu
tiên. Dù đã có định hướng phát triển công nghiệp, Kinh Môn vẫn không quên nhiệm
vụ “nâng cao” các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, thị xã Kinh Môn đã đẩy mạnh
thực hiện các nhiệm vụ đột phá, công trình trong điểm, huy động và sử dụng có
hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng
và phát triển hạ tầng. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Kinh Môn đã huy động trên
1.900 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông, kỹ thuật, đô thị,
hệ thống cấp thoát nước, công trình văn hoá, cây xanh vv… và nâng cao chất lượng
cuộc sống người dân.
Nói riêng về hạ tầng giao thông: Hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng được đầu tư xây
dựng ngày càng đồng bộ. Sau khi thành lập thị xã, Kinh Môn đã hoàn thành 3 cây
cầu quan trọng, gồm cầu Mây kết nối với huyện Kim Thành, cầu Triều kết nối với
thành phố Đông Triều - tỉnh Quảng Ninh, cầu Dinh kết nối Thuỷ Nguyên – Hải
Phòng. Đang tập trung thực hiện Dự án đường và cầu vượt sông Kinh Môn nối với
nút giao lập thể xã Kim Xuyên huyện Kim Thành, đường dẫu Cầu Vạn nối với Thành
phố Chí Linh; Đường nối Quốc lộ 17B đến Cầu Dinh; Đường nối Quốc lộ 17B đến
đường tỉnh 352 – Thành phố Hải Phòng. Tổng số chiều dài đường chính có chiều
rộng trên 7,5m tại đô thị Kinh Môn là gần 146,08 km. Tỷ lệ diện tích đất giao
thông/diện tích đất xây dựng đô thị đạt 8,06%. Mật độ đường giao thông chính đô
thị đạt 6,47km/km2.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, thị xã Kinh Môn ngày
càng thu hút lực lượng lớn lao động nơi khác về sinh sống và làm việc. Năm 2023, tổng số lao động toàn địa bàn là 63.296 người, với trình độ
học vấn và chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao. Lao động
phi nông nghiệp là 46.066 người, chiếm tỷ lệ 72,78%. Riêng tỷ lệ lao động phi
nông nghiệp khu vực nội thị đạt 81,25%. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người
đã đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,83 triệu đồng/người/tháng so với năm
2023, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước. Thực hiện Chương trình mục
tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã năm 2024
chỉ còn 0,93%, vượt 0,07% so với chỉ tiêu đề ra, giảm 0,42% so với năm 2023…
Mạng lưới y tế các cấp được củng cố, phát triển. Trên
địa bàn thị xã Kinh Môn có 1 Trung tâm Y tế đa chức năng xếp hạng loại II, hệ
thống y tế cấp cơ sở và các phòng khám đa khoa ngày càng được tăng cường về số
lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thị
xã. Bình quân số giường bệnh đạt 28,18 (giường/1000 dân).
Hệ thống cơ sở giáo dục không ngừng được đầu tư, nâng
cấp và mở rộng. Phần lớn trường, phòng học, trang thiết bị đều đạt chuẩn. Chất
lượng đào tạo các cấp học được đảm bảo, giữ vững vị thế là một trong những đơn
vị dẫn đầu toàn tỉnh. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển cả về bề rộng
và chiều sâu, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa để chăm lo, phát triển sự
nghiệp giáo dục.
Những năm qua, thị xã cũng tích cực xây mới, mở rộng các
công trình văn hóa đô thị như quảng trường, trung tâm văn hóa, vườn hoa, công viên, bảo tàng,
thư viện, nhà
thi đấu thể
dục thể thao...nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân cũng như tạo điểm
nhấn cho kiến trúc cảnh quan đô thị.
Hiện nay, hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ kín toàn địa
bàn thị xã, đảm bảo nguồn cung cho sinh hoạt và sản xuất. Thị xã Kinh Môn là
đơn vị hành chính có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông có chất
lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến so với các địa
phương trong tỉnh. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 82,4%. Tỷ lệ hồ
sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến đạt 65,5%.
Ngày 16/9/2024, Bộ xây dựng ban hành Quyết định số 858 về việc công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại 3. Đây là cơ hội để vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng này tiếp tục hành trình phát triển đi lên với vị thế mới, khí thế mới, sức sống của thành phố trẻ tương lai. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày 11/12/2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 1420/QĐ-CTN tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Kinh Môn vào đúng dịp thị xã Kinh Môn được công nhận là đô thị loại III. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển và là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, là niềm động viên khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị xã Kinh Môn.
0 bình luận